(HNM) - Theo Bộ Tư pháp, Luật Nuôi con nuôi đã được kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, thông qua ngày 17-6-2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010. Tiếp đó, ngày 1-2-2012, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Công ước La Hay số 33 về Bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế. Thời gian qua, các địa phương đã tích cực triển khai để đưa những quy định nhân văn này vào cuộc sống.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong thực tế. Cụ thể, đối với công tác giải quyết nuôi con nuôi trong nước: Số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở cơ sở nuôi dưỡng được giải quyết cho làm con nuôi trong nước còn rất hạn chế. Tình trạng lợi dụng việc cấp giấy chứng sinh để hợp thức “cha mẹ nuôi” thành cha mẹ đẻ mà không thông qua thủ tục đăng ký nuôi diễn ra ở một số địa phương.
Đối với công tác giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cũng chưa được triển khai đồng đều trên toàn quốc. Điều này đòi hỏi phải sớm sửa đổi Luật Nuôi con nuôi nhằm chặn lỗ hổng trên; bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa các quy định pháp luật khác có liên quan về vấn đề dân tộc của con nuôi, thay đổi hộ tịch của con nuôi, liên thông giữa thủ tục nuôi con nuôi và chuyển đổi thực hiện các biện pháp chăm sóc thay thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.