Góc nhìn

Sửa đổi để phù hợp thực tiễn

Đình Hiệp 30/08/2024 - 06:15

Mặc dù Trung ương cũng như thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản quy định, song tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường khi thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Điều khiến dư luận quan tâm là số vụ cháy gây thiệt hại về người xảy ra tại nhà ở hộ gia đình chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Thực tế cho thấy, nơi xảy ra cháy thường là khu dân cư xuống cấp, nhà trọ, cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ xảy ra cháy, nhà ở ngõ ngách, nơi chứa chất dễ cháy, nơi chữa cháy rất khó khăn. Tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ không theo quy hoạch, không phép, sai phép, không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy, nổ gây hậu quả thương tâm.

Sau mỗi vụ cháy xảy ra, nhiều câu hỏi lại được đặt ra cho các cơ quan chức năng. Phải chăng vẫn còn sự buông lỏng, xử lý chưa nghiêm các trường hợp kinh doanh nhà ở kết hợp kinh doanh, các công trình xây dựng không có hệ thống thoát hiểm, không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy hoặc nếu có không sử dụng được?

Một trong những vướng mắc, bất cập thời gian qua là yêu cầu phòng cháy đối với nhà ở và khu dân cư chưa chặt chẽ. Các loại hình cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy thường xuyên thay đổi, phát sinh mới dẫn đến không quy định nào bao quát hết. Một cơ quan, tổ chức có thể có một hoặc nhiều cơ sở và trong phạm vi một cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức thuê, mua mặt bằng để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, về quy định cơ sở trong Luật Phòng cháy và chữa cháy phải được nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp, bao quát.

Thực trạng trên đòi hỏi cấp thiết là phải sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy hiện hành để kịp thời tạo cơ sở pháp lý đối với lĩnh vực này hiện nay. Đây là nội dung quan trọng được Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra sáng 28-8 thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Để dự thảo luật trên phù hợp với thực tiễn, nhiều đại biểu cho rằng, cần có lộ trình phù hợp để các hộ có nhà ở kết hợp kinh doanh chuyển đổi nơi ở hoặc ngăn cách khu vực kinh doanh với khu vực để ở. Đồng thời, cần phân biệt rõ các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy hoặc ít xảy ra cháy để giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Việc quy định chung 1 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng chung cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh là chưa hợp lý với thực tiễn.

Công tác phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở cấp huyện. Khi có báo cháy, xe chuyên dụng chữa cháy di chuyển đến các điểm ở xa thì cơ bản đám cháy đã... cháy xong. Mặt khác, phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị ở cơ sở còn rất nhiều hạn chế lạc hậu, kém chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Do đó, cần tập trung đầu tư phương tiện phòng cháy, chữa cháy đến các huyện với các loại thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy thiết yếu.

Để công tác phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở đạt hiệu quả, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần bổ sung các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc xây dựng lực lượng và trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, rà soát, bổ sung các quy định nhằm quản lý chặt chẽ các loại hình nhà ở, nhà sử dụng để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với thực tiễn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi để phù hợp thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.