(HNM) - Tuổi trẻ chung tay cùng các xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng của dự án
Tiếp tục giai đoạn 2, Ban quản lý dự án xác định ba mục tiêu trọng tâm là tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển; tạo nguồn cán bộ trẻ và góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ công chức trẻ.
Còn nhiều bất cập từ thực tế
Những trí thức trẻ tham gia dự án này dù có hoàn cảnh khác nhau, song đều chung một tấm lòng, khao khát đóng góp cho sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo của đất nước. Kết quả bước đầu là khả quan, với 70% đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dù trên thực tế dự án vẫn còn tồn tại những bất cập.
Việc đưa trí thức trẻ về các huyện nghèo là việc làm hết sức cần thiết.Ảnh: Đình Trân |
Lê Thị Xiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Bum Tở, huyện Mường Tè (Lai Châu) quê ở xã Đại Hùng, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) chia sẻ: Tham gia dự án, Xiêm đã gạt bỏ mọi đam mê, sở thích để lao vào công việc. Tuy rất nỗ lực, nhưng hai năm qua Xiêm thấy mình chưa làm được gì nhiều. Lý do là vì nơi Xiêm công tác có 97% đồng bào là người dân tộc La Hủ, bất đồng ngôn ngữ gây cản trở lớn cho công việc. Dù được học lớp tiếng dân tộc, nhưng đi học xa, nhiệm vụ chuyên môn nhiều, nên hiện nay khả năng nói tiếng dân tộc của Xiêm còn hạn chế. Mỗi lần về cơ sở, Xiêm phải đi bộ cả chục cây số tìm trưởng bản, trưởng thôn để phiên dịch. Có hôm tìm được nhà thì cán bộ thôn, bản lại lên nương rẫy, coi như hỏng việc…
Nguyễn Thái Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Long Cốc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) có lợi thế vì được phân công công tác tại quê, chỉ cách nhà 20km. Không gặp khó khăn như hầu hết các đội viên khác về ngôn ngữ nhưng nơi này có tới 93% dân cư là người dân tộc Mường, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 30%, thu nhập bình quân đầu người chỉ 10,2 triệu đồng/năm. Điều Sơn trăn trở hơn cả là muốn nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn rừng lai tại hộ gia đình trên toàn xã, thay vì chỉ áp dụng được với 10 hộ dân như hiện nay, nhưng do chưa xin được kinh phí nên lực bất tòng tâm…
Trưởng Phòng Nội vụ huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) Mã Thị Trà My cho biết, huyện có 10 phó chủ tịch UBND xã được tuyển dụng trong dự án vừa rồi. Họ đều tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng lại được phân công phụ trách kinh tế ở địa phương. Nhiệm vụ không phù hợp nên huyện phải hướng dẫn cho đội viên các bước xây dựng đề án phát triển KT-XH, tiếp cận các cơ quan của huyện… Đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng trăn trở, các đội viên về công tác tại các xã nghèo, bà con rất phấn khởi và huyện cũng muốn giữ chân cán bộ tốt, nên kiến nghị, đội viên nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sau 2-3 năm (chưa cần kết thúc dự án) có thể sắp xếp vào các vị trí công chức cấp huyện, cấp tỉnh.
Thực tế cho thấy, bên cạnh các bất cập trên, các đội viên còn gặp nhiều khó khăn như thiếu trang thiết bị làm việc, không có máy tính, điện thoại, thậm chí nhiều người chưa được bố trí nơi ở, phải ăn ở tại trụ sở làm việc... Nhiều cán bộ cơ sở kiến nghị cần có tiêu chí đánh giá, khen thưởng, có cơ chế bổ nhiệm, bồi dưỡng, kết nạp đảng cho đội viên xuất sắc…
Gỡ những "nút thắt"
Tại hội nghị sơ kết giai đoạn 1 của dự án, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, quán triệt cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của dự án, tạo điều kiện cho các đội viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm nhân rộng mô hình này để ngày càng có nhiều trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại các vùng khó khăn, góp phần xây dựng và phát triển KT-XH của đất nước. Làm thế nào để thực hiện yêu cầu này, Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ Đoàn Nguyễn Khắc Toàn bộc bạch, với nhiệm vụ tuyên truyền cho dự án, giai đoạn 1, TƯ Đoàn đã thành lập tổ công tác, phối hợp với Bộ Nội vụ, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan truyền thông của đoàn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp một số khó khăn, nơi các đội viên công tác đều là các xã nghèo vùng sâu vùng xa, khiến việc theo sát con người, công việc cụ thể để phản ánh các hoạt động thực tiễn của đội viên thực hiện dự án còn chưa kịp thời, đầy đủ. Việc tiếp nhận thông tin qua mạng, thư điện tử để phản ánh trên các phương tiện truyền thông cũng rất khó khăn. Giai đoạn 2, Trung ương Đoàn sẽ có nhiều điều chỉnh như chỉ đạo trực tiếp cho 20 tỉnh đoàn, thành đoàn phối hợp với các báo đài địa phương trong việc thông tin tuyên truyền. Thành lập các đoàn công tác đặc biệt ở các địa bàn có đội viên của dự án để hỗ trợ và cung cấp thông tin.
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Ban quản lý dự án cũng cho biết, hiện Bộ đã trình Chính phủ và có hướng để gỡ các nút thắt cơ chế, chính sách. Để giúp đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bộ Nội vụ chủ trương tổ chức định kỳ mở các lớp tập huấn kỹ năng, kiến thức lãnh đạo, thậm chí "cầm tay chỉ việc".
Rõ ràng, dự án "Thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo" đã khẳng định được ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, dự án mới thực hiện được non nửa chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng và cũng cần hơn nữa lòng nhiệt huyết, quyết tâm của các trí thức trẻ trước nhiệm vụ khó khăn nhưng vinh dự, cao cả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.