Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự xâm hại các dòng sông đến hồi báo động!

Đan Nhiễm| 30/08/2015 05:57

(HNM) - Việc khai thác tiềm năng các dòng sông ở nước ta đã đến giới hạn và nhiều nơi ở mức nguy hiểm; phát triển kinh tế quá

Xung quanh câu chuyện này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với chuyên gia về tài nguyên nước, TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ.


Sông phải là “mạch máu” quốc gia

- Gần đây, dư luận “dậy sóng” với việc một doanh nghiệp lấn sông Đồng Nai làm dự án khu đô thị. Là người nhiều năm nghiên cứu, theo dõi hệ thống sông ngòi ở Việt Nam, ông có cho đây là hiện tượng cá biệt?

- Phải nói rằng đây không hẳn là câu chuyện của một doanh nghiệp cụ thể mà là chủ trương của tỉnh Đồng Nai và đã trải qua rất nhiều thủ tục, quy trình. Sông Đồng Nai có một đoạn chảy qua TP Biên Hòa và tỉnh này nói dự án chỉ lấn ra sông mấy chục mét nên sẽ có tác động không đáng kể đến dòng chảy. Điều đó chỉ đúng về mặt vật lý, còn dưới góc độ khoa học, khi xây dựng công trình trên sông cần xem xét toàn diện bởi sẽ gây xói lở cho các khu vực khác, cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến sinh kế người dân. Trong trường hợp này, tôi không trách chủ đầu tư vì doanh nghiệp luôn phải tính tới lợi nhuận. Tôi chỉ nghĩ tại sao các nhà quản lý khi thực hiện một dự án lớn, có nhiều yếu tố nhạy cảm về cả môi trường và xã hội mà không đánh giá thận trọng, toàn diện trong đó có cả yếu tố pháp luật. Khi nhà đầu tư đưa ra phương án như vậy, điều đầu tiên theo tôi tỉnh cần cân nhắc xem dự án ấy có đụng đến pháp luật không, rồi đến ảnh hưởng môi trường, sinh kế… Rất may là khi cơ quan báo chí vào cuộc, Thủ tướng Chính phủ đã cho kiểm tra và quyết định dừng dự án để xem xét lại tác động của sự việc này đến môi trường và xã hội.

Từ sự việc ở Đồng Nai, xin nhấn mạnh rằng, câu chuyện phát triển liên quan đến các dòng sông ở nước ta rất đáng báo động. Ví dụ rõ nhất là tình trạng xây dựng lấn chiếm hành lang thoát lũ, khai thác vật liệu xây dựng tràn lan… diễn ra ở trên hầu hết các dòng sông nhưng việc xử lý vi phạm lại hết sức nhỏ giọt. Ngay ở Hà Nội vừa rồi báo chí có nêu việc một doanh nghiệp đang dự định xây dựng sân golf ở vùng bãi nằm trong hành lang thoát lũ và chuyện một phường đã tự ý lấp nhiều hécta khu vực bãi liền kề với dòng chảy của Sông Hồng cho thấy mức độ vi phạm là hết sức nghiêm trọng. Chừng nào chưa thấm quan điểm sông nước phải là “mạch máu” quốc gia, khi động đến cần hết sức thận trọng thì sẽ còn phát sinh nhiều hệ lụy với chúng ta hôm nay và cho thế hệ mai sau.

- Thưa ông, vì vấn đề năng lượng, hầu hết các hệ thống sông ở Việt Nam và các chi lưu lớn đều được khai thác làm thủy điện. Ngoài các công trình thủy điện và những tác động ở vùng đầu nguồn, ở vùng hạ lưu các dòng sông hiện nay đang gặp những thách thức gì?

- Chúng ta có trên 3.000 con sông lớn nhỏ và phải nói rằng mật độ hệ thống sông ngòi khá dày đặc là điều kiện vô cùng thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do sự gia tăng khá nhanh dân số và nhu cầu phát triển kinh tế mạnh mẽ và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của một xã hội tiêu dùng, nhiều lĩnh vực phát triển nóng, không bền vững. Ngoài việc cơ bản “hoàn thành” xây dựng các công trình thủy điện phần thượng lưu hầu hết các dòng sông thì chúng ta đang xử sự với dòng sông ở hạ lưu không phù hợp, mà câu chuyện lấn sông là một thách thức rất lớn và dễ thấy. Các dòng sông đang chịu tác động của khai thác quá mức, thảm thực vật bị tác động. Ô nhiễm sông do làng nghề, do xả thải của các khu công nghiệp cũng đang làm suy kiệt tài nguyên nước. Nói tài nguyên nước là phải nói đến nước sạch, nước dùng được chứ nước bị ô nhiễm sao gọi là tài nguyên. Hiện nay, chúng ta về cơ bản con sông nào cũng đã được xây dựng các hồ đập rồi, chúng ta không thể trong ngày một ngày hai thay đổi được dù biết rằng tương lai sẽ có không ít hệ lụy. Vậy chúng ta chỉ còn cách thay đổi cách sử dụng thật hợp lý các hồ chứa để chúng mang đến nhiều lợi hơn và giảm tối thiểu các tác động tiêu cực.

Vận hành hồ chứa thiếu khoa học

- Mùa bão lũ năm nay đến muộn nhưng tôi nhớ, mấy năm gần đây, người dân một số địa phương miền Trung kêu trời bởi mưa to, lũ về, thủy điện thi nhau xả nước khiến hàng nghìn hộ dân tan cửa, mất nhà. Đây có phải là tác hại của những thủy điện đơn mục tiêu không, thưa ông?

- Phải nói rằng, các công trình thủy điện có hồ chứa, dù lớn hoặc nhỏ không phải là căn nguyên tạo nên lũ. Ở tất cả các nước, người ta xây đập, xây hồ để điều tiết lại sự phân bố không đều của dòng chảy trong năm nhằm phục vụ cho các mục đích khác nhau, trong đó có mục đích phát điện. Nhiều hồ chứa lớn còn được thiết kế để giảm lưu lượng đỉnh lũ, tức là giảm lũ cho hạ du. Vấn đề ở đây là câu chuyện thiết kế và vận hành hồ chứa. Đó mới là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” làm người ta thấy thủy điện chỉ gây ra tác hại đối với vùng hạ lưu.

Các nghiên cứu cho thấy, nếu công trình thủy điện được thực hiện theo quy hoạch tốt, thiết kế hợp lý - tức là phải bảo đảm quyền lợi tất cả cộng đồng - ngành - địa phương cùng chia sẻ dòng sông và vận hành đúng theo quy trình, thì thủy điện sẽ không tai tiếng như hiện nay. Thời gian qua, chúng ta chứng kiến nhiều sự cố hoặc “nhân tai” một phần do lỗi vận hành của chủ đầu tư các hồ chứa thủy điện và phần thiệt lớn nhất thuộc về người dân. Do nhiều lý do, đa phần hồ chứa thủy điện không để dung tích phòng lũ dẫn tới tác dụng giảm lũ mùa mưa rất hạn chế. Đồng thời, một yếu tố nữa tác động lớn đến sự chính xác trong thực hiện quy trình vận hành một hoặc liên hồ thủy điện trên một lưu vực sông chính là cần có hệ thống dự báo khí tượng thủy văn hoàn chỉnh bảo đảm có thể có dự báo ở mức độ chính xác cho phép. Những yếu tố trên ai cũng hiểu sẽ làm giảm thiểu rủi ro, tai họa do thiên nhiên và hạn chế tác hại do chủ quan của con người gây ra.

Hiện chúng ta có thể thấy, việc quy hoạch và phát triển bậc thang các công trình thủy điện trên hệ thống Sông Hồng với một loạt các nhà máy như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Thác Bà, Tuyên Quang… đều xét đến hiệu ích sử dụng tổng hợp - đa mục tiêu phát điện - phòng, giảm lũ - cấp nước... Tuy nhiên, nhìn tổng thể cả nước thì vấn đề này chưa được coi trọng. Do đó, phải làm sao sử dụng các công trình đã xây dựng trên các đầu nguồn sông một cách hiệu quả, hài hòa lợi ích của tất cả các ngành và bảo đảm không tác động xấu đến đời sống nhân dân là câu chuyện cần bàn.

- Ở trên ông nói bản thân thủy điện không phải là nguyên nhân gây ra lũ, vậy đằng sau đó là gì?

- Vấn đề anh đặt ra lại đụng đến một câu chuyện khác: Ai đang là người quản lý các hồ chứa thủy điện? Chúng ta xã hội hóa xây dựng thủy điện là chủ trương đúng, nhưng xã hội hóa ở mức độ nào và xã hội hóa kiểm soát, vận hành nó ra sao. Những nhà đầu tư chỉ biết rằng họ bỏ tiền ra để xây nhà máy, đóng các loại thuế thế là ổn. Nếu họ cố tình lờ đi hoặc thiếu tri thức ở chỗ không biết rằng công trình thủy điện khác các công trình khác, không phải một cái nhà mà di chuyển đi là xong. Đối với các công trình thủy điện có hồ chứa, ở những quy mô khác nhau, nhiều công trình phải thực hiện cả nhiệm vụ chống lũ, bảo đảm nguồn nước cho nông nghiệp, dân sinh, bảo vệ môi trường - tức là các công trình đa mục tiêu. Cứ nghĩ đơn giản rằng tôi làm thủy điện, tôi tích nước mùa lũ là chống lũ cho vùng, mùa kiệt xả nước vậy là tôi đã làm lợi cho vùng thì còn cần gì đến việc đa mục tiêu nữa là không đúng.

Quản lý các dòng sông đang bị “bó cứng”

- Việc khai thác các dòng sông ở nước ta bộc lộ vấn đề cục bộ địa phương. Chúng ta đã thành lập các ban quản lý quy hoạch lưu vực sông (theo Luật Tài nguyên nước 1998) và một số Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông nhưng điều quan trọng là tiếng nói và thực quyền của tổ chức này lại không được đề cập cụ thể trong luật dẫn đến việc quy định chỉ mang tính hình thức, không có ý nghĩa trong quản lý. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Trong câu chuyện lấp sông làm khu đô thị ở TP Biên Hòa đã nêu ở trên, vai trò của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai rất mờ nhạt. Hiện ủy ban này đang do TP Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ tịch luân phiên. Nhưng ủy ban này nói không biết việc lấp sông, Bộ NN&PTNT cũng không biết. Ngoài Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông còn có ban quản lý bảo vệ lưu vực sông nằm trong Bộ NN&PTNT. Các tổ chức này phải có chức năng tư vấn thế nhưng trên thực tế không phát huy vai trò gì đáng kể. Đó là điều hết sức lo ngại và cho thấy việc quản lý các dòng sông đang bị “chặt khúc”, “bó cứng” bởi ranh giới địa lý địa phương.

- Các hệ thống sông lớn của ta đều có bắt nguồn và có đóng góp khá lớn về nguồn nước từ nước láng giềng, đòi hỏi vấn đề hợp tác giữa các quốc gia cùng chia sẻ các dòng sông trên phải khăng khít, hài hòa hơn nữa. Yếu tố địa - chính trị trong vấn đề này cần được quan tâm ra sao, thưa ông?

- Đúng vậy, đây là vấn đề rất lớn và phải có chính sách lâu dài. Như hiện nay ta đang phải đối diện với vấn đề phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông từ những quốc gia phía thượng lưu.

Khác với nhiều nguồn tài nguyên khác có thể được phân chia ranh giới quốc gia và có thể được các quốc gia khai thác và sử dụng một cách độc lập. Tuy nhiên, tài nguyên nước của một lưu vực sông được chia sẻ bởi nhiều quốc gia, hay là sông quốc tế là không thể. Sự tồn tại và phát triển của những cộng đồng sống trong một lưu vực sông có sự phụ thuộc vào nhau và mối ràng buộc lẫn nhau chính là nguồn nước. Các quốc gia càng nằm ở xa hạ lưu của con sông mức độ phụ thuộc vào sự khai thác và sử dụng nước của các quốc gia ở phía trên mình càng nhiều. Chính vì vậy, luật pháp quốc tế đã không nhìn nhận chủ quyền các quốc gia đối với nguồn nước sông quốc tế là chủ quyền tuyệt đối.

Đối với nước ta, Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí đặc biệt quan trọng đối với an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội. Cuộc sống của nhiều triệu người dân hôm nay và mai sau rõ ràng có sự phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác và quản lý nguồn tài nguyên nước của sông Mê Kông. Với vị thế địa - chính trị quốc gia, Việt Nam cần có những chính sách phù hợp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và duy trì hợp tác cùng có lợi với các quốc gia ven sông, tuân thủ các luật pháp quốc tế là con đường để bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo đảm an ninh cho khu vực.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Sông Hồng, Sông Nhuệ, Sông Đáy, Sông Tích… là những dòng sông cung cấp nguồn nước chủ yếu và là một phần lịch sử của Hà Nội, tuy nhiên hiện đang bị khai thác quá mức. Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội dài khoảng 150km, kéo dài từ huyện Ba Vì tới huyện Phú Xuyên, có vị trí quan trọng trong cung cấp nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt và cũng là nơi tiếp nhận nước thải. Những năm gần đây, do phát triển kinh tế của các tỉnh thượng nguồn nói chung (Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc) và Hà Nội nói riêng nên mức độ ô nhiễm của Sông Hồng ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, nạn khai thác cát trái phép là một nguyên nhân khiến dòng sông bị thay đổi, bị hạ thấp đáy sông, mực nước sông tụt xuống và các cống ven Sông Hồng để lấy nước vào ruộng đồng bị treo.

Kết quả quan trắc gần đây cho thấy, nhìn chung, Sông Hồng, Sông Nhuệ, Sông Đáy, Sông Tích đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, nặng nề nhất là Sông Nhuệ và Sông Đáy. Có thể khẳng định rằng, môi trường nước mặt của lưu vực Sông Nhuệ - Đáy đang chịu tác động mạnh mẽ của nước thải sinh hoạt và các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và thủy sản trong khu vực. Chất lượng nước của nhiều đoạn sông đã bị ô nhiễm tới mức báo động, vào mùa khô, giá trị các thông số BOD, COD, TSS… đều vượt quy chuẩn nhiều lần.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự xâm hại các dòng sông đến hồi báo động!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.