Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự trỗi dậy của “Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ”

Lâm Phương| 20/09/2011 06:37

(HNM) - Cắt đứt mọi quan hệ với Israel, kêu gọi ủng hộ Nhà nước Palestine độc lập, phản đối láng giềng CH Síp đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm tới và gần đây nhất là chuyến công du của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan tới Ai Cập, Tunisia và Libya - tất cả những động thái trên được Thổ Nhĩ Kỳ tung ra trong vòng chưa đầy một tháng.

Rõ ràng Ankara không hề giấu giếm tham vọng tăng cường vai trò trong thế giới Hồi giáo khi cơn lốc "Mùa xuân Arab" nhanh chóng đảo lộn cán cân quyền lực ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi thời gian qua.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Nabeel El-Arabi tại Cairo, Ai Cập.

Phải thừa nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang nắm được những lợi thế quan trọng để có thể vươn lên thành cường quốc có ảnh hưởng rộng rãi, nhất là khi nhiều quốc gia từng có tiếng nói trong khu vực đã trở nên suy yếu: Ai Cập đã hoàn toàn mất vị thế sau khi Tổng thống Hosni Mubarak - từng được ví như một Pharaoh thời hiện đại - phải rời bỏ quyền lực; Iraq thì còn lâu mới phục hồi như thời cựu Tổng thống Saddam Hussein; Hiệu ứng mạnh mẽ của "Cách mạng Hoa nhài" cũng khiến những trụ cột khác của thế giới Hồi giáo như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab phải "chột dạ". Trong bối cảnh ấy, chuyến thăm bắt đầu từ ngày 12 đến 16-9 của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan cùng đoàn tùy tùng hơn 200 người, trong đó có nhiều bộ trưởng và quan chức cấp cao sang Ai Cập, Tunisia và Libya được coi là nhằm củng cố những hiện thực địa - chính trị mới hình thành trong thế giới Arab. Đây là một chính sách khá thực dụng do Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu xây dựng. Giới chuyên gia nhận định ông R.Erdogan muốn nhân chuyến đi này thể hiện sự ủng hộ mà Thổ Nhĩ Kỳ dành cho cả 3 nước đã và đang chứng kiến những thay đổi lịch sử; đồng thời giới thiệu chế độ ôn hòa, dân chủ và hùng mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ như một hình mẫu cho các chính phủ mới ở các quốc gia Hồi giáo.

Quyết tâm giành vai trò sắp xếp trật tự chính trị, an ninh ở khu vực trong thời hậu chính biến, Ankara đã khéo léo thể hiện bản lĩnh và sự độc lập với phương Tây qua một loạt chính sách như: Công nhận Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) tại Libya; đồng thời cung cấp 300 triệu USD cho lực lượng này, chỉ trích chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và nhất là đóng băng hoàn toàn quan hệ với Israel, kêu gọi công nhận nhà nước Palestine độc lập. Đây là một hành động vừa giúp Thổ Nhĩ Kỳ ghi điểm mạnh với các quốc gia Hồi giáo vừa phát tín hiệu với phương Tây về sự trỗi dậy của Ankara tại khu vực. Điều này có thể mang lại những lợi thế cho Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc thương lượng về lợi ích với Mỹ và EU trong thời gian tới.

Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà mới đây Thổ Nhĩ Kỳ lại lớn tiếng cảnh báo EU trong việc trao vị trí Chủ tịch liên minh này cho CH Síp vào nửa nhiệm kỳ sau của năm 2012. Đây là điều Ankara chưa từng làm dù tranh cãi về lãnh thổ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Síp kéo dài trong nhiều năm nay. Thậm chí, vài năm trước đây, EU đã từng coi việc công nhận toàn vẹn lãnh thổ Síp là điều kiện tiên quyết để Thổ Nhĩ Kỳ tham gia lộ trình vào ngôi nhà chung 27 thành viên này. Rõ ràng, làn sóng chính biến ở Trung Đông và Bắc Phi đang trao cho Ankara những quân át chủ bài để đảo ngược thời thế. Vì bên cạnh vai trò là cầu nối duy nhất giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ còn đang sở hữu những cơ hội lớn để có thể tiếp cận nguồn khí đốt từ dự án Nabucco - của EU, dài khoảng 3.300km, xuyên qua 5 quốc gia, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ - nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cho châu Âu.

Còn với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đang là một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ nhằm kiểm soát những nguy cơ từ Iran. Bên cạnh đó, Ankara cũng đang đóng một vai trò không thể thiếu trong cái gọi là tiến trình "bàn giao dân chủ" ở Trung Đông. Đây là lý do Washington chỉ có những phản ứng yếu ớt trước quyết định cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ với Israel - một đồng minh gần gũi của Mỹ trong khu vực từ nhiều năm nay.

Với những gì đang diễn ra, giới phân tích quốc tế không ngần ngại nhận định âm hưởng của bản "Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ" sẽ ngân vang nơi thế giới Hồi giáo trong thập kỷ tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự trỗi dậy của “Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.