Người Inca từng xây dựng Pumapunku, một lâu đài hay một ngôi đền lớn bằng đá ở Bolivia. Nơi đây có độ cao 4.500m so với mực nước biển, là vùng đất linh thiêng trong quan niệm của người Inca.
Hiện chưa rõ di tích này có từ bao giờ, dù có nhà khoa học từng ước đoán nó được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ VI trước Công nguyên (TCN). Khu vực xây dựng Pumapunku dài 167m, rộng 112m. Cách đó 16km là Tiwannaku, một di tích hoang phế, với những dãy núi bị cắt từ đá tự nhiên được cho là công trường chế tác đá để xây dựng Pumapunku. Những phiến đá ở cả hai khu vực này được coi là một trong những bí ẩn nhất của người xưa. Tiwannaku vẫn còn lại những phiến đá hình hộp dài, nặng khoảng 400 tấn xẻ từ núi tự nhiên với những mặt cắt phẳng, nhẵn, còn Pumapunku thì có những phiến đá tinh xảo nặng trên 100 tấn. Những khối đá ở đây đều rất cứng, ngày nay chỉ kim cương mới có thể khoan được. Hình dạng những phiến đá để xây dựng đều rất đẹp, với tính đối xứng hình khối, góc cạnh và những vết cắt, khoan lỗ tinh xảo mà ngày nay không thể làm được. Vậy bằng cách nào để có thể thực hiện việc cắt núi, di chuyển, tạo ra những phiến đá nhỏ hơn rồi xếp chúng vào nhau thật khít hình thành nên Pumapunku?
Chúng ta cùng tìm hiểu bản đồ cổ của Trái đất. Đầu thế kỷ XVI, đô đốc hải quân Thổ Nhĩ Kỳ Piri Reis đã dựa trên nhiều tấm bản đồ nhỏ có từ thời vua Alexander Đại đế của Ba Tư (thế kỷ thứ IV TCN) để ghép nối thành tấm bản đồ hình cầu của Trái đất. Bản đồ này có vẽ cả những đường kinh tuyến, vĩ tuyến cùng số liệu chính xác của chu vi Trái đất. Hơn nữa, địa hình Nam cực được vẽ là ở thời điểm chưa có băng đá, theo khoa học là cách đây khoảng 7.000 đến 13.000 năm. Khoảng những năm 50 của thế kỷ XIX, bằng khảo sát, đo đạc và tính toán, các nhà khoa học đã xác nhận tính chính xác của bản đồ này. Về mặt toán học thì bản đồ đã thể hiện những hiểu biết nhất định về hình học, lượng giác, số pi, phép đo bán kính Trái đất, hệ tọa độ cầu... chưa kể kiến thức về hình dạng cầu của Trái đất.
Kỹ thuật cắt và xếp đá tồn tại ở nhiều nơi với bằng chứng là có rất nhiều kim tự tháp (KTT) được xây dựng khắp nơi trên toàn thế giới, từ Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Mexico, Georgia... Những KTT lớn nhất, nổi tiếng nhất còn tồn tại đến ngày nay là 3 KTT ở Giza, Ai Cập, trong đó cao nhất là KTT Kheops, còn gọi là KTT lớn. KTT này có chiều cao 147m, với dấu ấn tỉ lệ vàng xuất hiện trong nhiều kích thước. Kỹ thuật cắt đá, xếp đá của KTT Kheops tương tự như Pumapunku nhưng được làm bằng những viên đá nhỏ hơn. Gần đây, bằng phương pháp tính tuổi thọ lớp vỏ các tầng của KTT này, các nhà khoa học xác định niên đại tầng trên của KTT Kheops là có trước gần 1400 năm so với tầng dưới, là tầng có niên đại gần với thời vua Kheops trị vì ở Ai Cập (thế kỷ XXVI TCN). Hơn nữa, xung quanh KTT là lớp trầm tích dày 4,3m với những vỏ sò biển có niên đại gần 12000 năm trước, còn bên trong lối vào của KTT là lớp muối dày 2,5cm chứng tỏ KTT này từng bị ngập và ngâm trong nước biển trong thời gian dài. Trong khi lịch sử ghi nhận người Ai Cập mới di cư về sống ở vùng này khoảng 6000 năm trước. Một số nhà khoa học giả định KTT này được làm từ trước và chỉ được sửa chữa lại ở những thời đại sau.
Vậy phải chăng một số thành tựu trên đều xuất phát từ một nền văn minh phát triển vượt trội và KTT được xây để làm gì?
Kết quả kỳ trước. Vườn hình học Nazca được UNESCO tôn vinh là di sản Văn hóa thế giới năm 1994.
Kỳ này. KTT Kheops được công nhận là di sản gì? Câu trả lời gửi về chuyên mục "Toán học, học mà chơi", Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.