Tập đoàn PepsiCo vừa chính thức thừa nhận nguồn nước được sử dụng cho nhãn hiệu nước đóng chai Aquafina của họ là nước máy thông thường nhưng đã qua xử lý.
Aquafina sẽ sớm đổi nhãn chai để nói rõ hơn với khách hàng về nguồn nước khai thác - Ảnh: AFP |
Theo Russia Today, dưới áp lực của dư luận phàn nàn về việc tiếp thị gây hiểu lầm, sắp tới đây, nhãn hiệu Aquafina sẽ phải bổ sung thêm thông tin P. W. S, tức “pulic water source” (nguồn nước công cộng) để thừa nhận về nguồn gốc nước sử dụng trong các sản phẩm này.
Cụ thể phía PepsiCo cho biết nước nguyên liệu ban đầu họ sử dụng làm nước đóng chai cũng chính là nước máy thông thường.
Tuy nhiên Aquafina là nước đã được qua chu trình xử lý bảy bước, loại bỏ các chất khoáng và một số tạp chất khác vẫn thường thấy trong nước máy sinh hoạt.
Phát ngôn viên Michelle Naughton của PepsiCo nói: “Nếu việc này (bổ sung thông tin nguồn nước nguyên liệu) giúp làm rõ thực tế nước đóng chai lấy từ nguồn nước công cộng thì đó cũng là việc hợp lý nên làm”.
Hiện tại ba nhãn hiệu nước đóng chai bán chạy nhất gồm có Aquafina của PepsiCo, Dasani của Coca-Cola và Pure Life của Nestle.
Năm 2013, hãng Coca-Cola thừa nhận nước Dasani cũng được khai thác từ nguồn nước công cộng, tuy nhiên khẳng định quá trình thanh lọc nước của họ đã khiến chất lượng của Dasani hoàn toàn khác biệt so với nước máy.
Phát ngôn viên Diana Garza Ciarlante của Coca-Cola nói: “Chúng tôi không tin là các khách hàng lại hiểu lầm về nguồn gốc của nước Dasani. Nhãn chai cũng đã nói rõ đó là nước được làm sạch”.
Hãng Nestle cho biết nước đóng chai Pure Life của họ cũng được làm sạch qua quy trình 12 bước.
Do lượng nước ngọt bán ra ngày càng sụt giảm vì người dân lo ngại những hệ lụy sức khỏe liên quan, các công ty nước ngọt đang ngày càng phụ thuộc doanh thu vào các sản phẩm nước đóng chai.
Theo Hiệp hội nước đóng chai quốc tế (IBWA), tổng doanh thu từ nước đóng chai tại Mỹ năm 2014 là 13 tỉ USD. Tổng lượng nước đóng chai tiêu thụ ở Mỹ trong một năm bằng tổng lượng nước cung cấp trên toàn lãnh thổ nước này trong chín tiếng đồng hồ.
Đi kèm với nước đóng chai thì những lo ngại về rác thải nhựa cũng tăng theo. Tổ chức bảo vệ môi trường Food & Water Watch ước tính, nước đóng chai góp phần tạo ra 1,5 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm và cần tới 47 triệu gallon (177.895.000 lít) dầu để sản xuất số chai nhựa đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.