Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự thật về một “thần y”

Kiều Linh| 14/03/2012 07:33

(HNM) -

Vị thuốc "Đông Tây y kết hợp"

Theo chỉ dẫn trên tờ rơi, chúng tôi tìm đến nhà bà Kiệm, tìm "bác sỹ Yên", ở xóm Mới, thôn 4, xã Vạn Phúc để khám, chữa bệnh (KCB) về xương khớp. Vừa đi xe máy vào đến sân, một ông trung niên, vóc dáng to cao từ dưới bếp chạy ra đon đả mời chúng tôi vào nhà. Không giới thiệu gì về mình, người đàn ông này chỉ nhìn trước, ngó sau, hỏi bị đau ở đâu, rồi quay ra bảo người bệnh đi theo mình vào phòng trong để khám. Căn phòng rộng chưa đầy 10m2, có kê 2 chiếc giường nhỏ, một tủ thuốc đựng phần lớn là thuốc Tây và một vài loại thuốc Đông y. Trong căn phòng không có vật dụng hay dấu hiệu nào để chứng minh tên tuổi của bác sĩ, cũng không có thông báo về giá cả dịch vụ KCB theo quy định của Bộ Y tế.

Một trong số gói thuốc được “thần y” sử dụng.


Đang quan sát căn phòng, tôi giật mình khi được "thầy" yêu cầu nằm xuống giường để khám. Sau đó, "thầy" bắt đầu dùng hai tay ấn mạnh vào đốt cột sống lưng, rồi lần mò hết chỗ này đến chỗ khác. Điều hết sức ngạc nhiên, "thầy" không hề nói năng hay hỏi han gì người bệnh là đau ở chỗ nào, mà chỉ có mỗi thao tác "day day, ấn ấn". Tôi tỏ vẻ đau đớn, rồi cho biết chỗ này khi ấn thấy đau, chỗ kia ít đau hơn… Sau khoảng 1 phút sờ, nắn, "thầy" bắt đầu bật một chiếc đèn bàn để bên cạnh chiếu thẳng vào lưng người bệnh. Tôi hỏi "sao phải dùng đèn?", “thầy” giải thích: "Chiếu đèn cho mềm da, khỏi bệnh". Vừa khám, "thầy" vừa bật mí: "Tôi làm ở Khoa Đông y của Bệnh viện Nông nghiệp 1, ở Ngọc Hồi (Thanh Trì) và làm kiểu bán thời gian. Một tuần 2 lần đến bệnh viện vào thứ hai và thứ sáu để họp giao ban, rồi lại về nhà khám bệnh cho người dân. Lương mình chỉ hưởng 50%, số còn lại để lại khoa làm quỹ, tránh dị nghị". Khi tôi hỏi, "thầy" "học chuyên ngành gì và về bệnh viện lâu chưa", thì "thầy" lập lờ: "Mình học Đông y, về làm ở bệnh viện cũng lâu rồi"... Chỉ kịp hỏi đến đó, "thầy" đã bảo: Xong rồi đấy, cậu ngồi dậy, rồi đứng thẳng lên, cúi xuống sẽ thấy khỏi đau. Tôi giả bộ làm theo: "Đúng là hết đau rồi, tài thật, vừa rất đau, giờ lại thấy thoải mái, không đau đớn gì nữa". Lúc này, "thầy" chỉ mỉm cười một cách thần bí.

Sau tiết mục chữa bệnh, "thầy" ngồi vào bàn ghi tên tuổi, địa chỉ của bệnh nhân và đưa ra 2 gói thuốc bảo bệnh nhân lấy về uống sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Cầm gói thuốc trên tay, không thấy bất kỳ thông tin gì về nguồn gốc, xuất xứ cũng như thành phần, liều lượng của thuốc, tôi tỏ ý phân vân, "thầy" trấn an: "Yên tâm, thuốc do nhà làm ra, đây là vị thuốc Đông Tây y kết hợp, rất có lợi cho điều trị bệnh. Cứ lấy về uống, có gì lại đến đây"?!

Chân dung "thần y"

Tìm hiểu tại Bệnh viện Nông nghiệp 1, chúng tôi được biết, không có bác sĩ nào tên là Yên làm việc ở Khoa Đông y. Người đeo mác bác sĩ Yên để khám chữa bệnh theo kiểu Đông Tây y kết hợp, thực chất là anh Lã Quyết Thắng, chồng của bác sĩ Cao Thị Yên, hiện công tác tại Khoa Sản, Bệnh viện Nông nghiệp 1. Anh Thắng không học qua bất kỳ một trường lớp nào của Nhà nước về chuyên ngành đông y, nhưng hằng ngày vẫn tham gia KCB cho người dân.

Một số người dân ở thôn 4, xã Vạn Phúc cho biết: Trước đây bà Kiệm (mẹ anh Thắng) bị bệnh đau xương, đau khớp và được bên thông gia có người làm về Đông y thường qua lại khám, bấm huyệt điều trị cho bà. Về sau, do đường sá xa xôi, bên thông gia có truyền lại cách thức chữa trị để anh Thắng tiện chăm sóc, chữa bệnh cho mẹ. Vì vậy, người dân trong thôn, nhất là các cụ già thường đến nhờ anh Thắng bấm huyệt. Có người khỏi, người không, nhưng dân làng rất ít mua thuốc tại đó, mà chỉ đến nhờ khám, bấm huyệt một cách thông thường và ban đầu anh Thắng cũng chỉ là giúp bà con, chứ không lấy tiền công. Không hiểu thế nào mà bây giờ người dân ở các xã lân cận, thậm chí là ở nhiều tỉnh trên toàn quốc đến khám, mua thuốc về điều trị.

Sự mờ ám còn được thể hiện ngay trong tờ rơi của cơ sở KCB này. Một mặt vừa chỉ dẫn địa chỉ, vừa hướng dẫn sử dụng thuốc rất mập mờ; mặt bên thì ghi những lời quảng bá rất "kêu", bài thuốc "Lục vụ thần tiên" chữa bách bệnh, có minh chứng bằng số lượng bệnh nhân cụ thể, thậm chí có cả bệnh nhân ở nước ngoài..., nhưng dưới cùng lại ghi là BSCKII Cao Xuân Lung. Về vấn đề này, lãnh đạo Phòng Y tế Thanh Trì khẳng định cơ sở KCB của bà Kiệm chưa đăng ký hoạt động và lãnh đạo Phòng Y tế cũng không nắm được.

Việc để một người mạo danh bác sỹ chữa "bách bệnh" hoạt động trong thời gian dài, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương và ngành y tế Hà Nội. Rất mong các cơ quan chức năng của thành phố sớm vào cuộc, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân cố tình vi phạm, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự thật về một “thần y”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.