Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự suy tàn hợp thời thế

Quỳnh Chi| 07/09/2010 07:02

(HNM) - Ngày 5-9, lực lượng vũ trang ly khai xứ Basque (ETA) tại Tây Ban Nha bất ngờ tuyên bố sẽ không thực hiện thêm bất cứ hành động vũ lực nào trong cuộc đấu tranh đòi độc lập cho xứ này vốn đã kéo dài hơn 4 thập kỷ qua.

Thủ lĩnh cao cấp nhất của ETA Ibon Gogeascoechea (54 tuổi) cùng đồng sự sa lưới pháp luật (ngày 28-2-2010) trong một chiến dịch chống khủng bố tại miền Nam nước Pháp do các lực lượng an ninh Pháp và Tây Ban Nha phối hợp thực hiện. Ảnh: AP/AFP


Tuy nhiên, có lý do để người châu Âu hoài nghi "thiện chí" đột xuất của ETA vì đây không phải lần đầu tiên lực lượng vũ trang này tuyên bố ngừng bắn. Từ năm 1981, ETA cũng đã đưa ra những tuyên bố tương tự song lại tự phá bỏ bằng các vụ nổ bom liều lĩnh nhằm vào những nơi công cộng đông người. Điều đó phần nào lý giải thái độ thận trọng của Chính phủ Tây Ban Nha trước một diễn biến lẽ ra rất được hoan nghênh này. Bộ trưởng Nội vụ của chính quyền tự trị xứ Basque là Rodolfo Ares còn cho rằng, tuyên bố ngừng bắn của ETA là "nhập nhằng" và "chưa thỏa đáng". Hơn nữa, những gì mà ETA từng gây ra cho người dân ở "xứ sở bò tót" suốt hơn 40 năm qua đã tạo thành một khối đau thương quá lớn, khó có thể xoa dịu trong một sớm một chiều.

Hình thành vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước như một phong trào của sinh viên chống lại sự đàn áp tàn bạo của chính quyền độc tài Francisco Franco với người dân xứ Basque, lẽ ra ETA phải tự giải thể sau năm 1975 - khi nhà độc tài Franco qua đời - và khu vực với 2 triệu dân này dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, bất chấp sự thật rằng xứ Basque ngày nay đang được hưởng quyền tự trị lớn hơn bất cứ vùng nào tại Tây Ban Nha với nghị viện, lực lượng cảnh sát, hệ thống giáo dục và phương thức thu thuế riêng, nhưng ETA vẫn muốn đòi một nền độc lập rộng lớn hơn. Để đạt được mục đích thành lập một quốc gia riêng gồm 4 tỉnh ở miền Bắc Tây Ban Nha: Vizcaya, Guipuzcoa, Alava, Navarra và 3 tỉnh Tây - Nam nước Pháp: Labourd, Basse-Navarra, Soule, tổ chức này đã không từ một thủ đoạn nào, từ đánh bom, ám sát đến bắt cóc, tống tiền... Hậu quả là hơn 800 người vô tội đã thiệt mạng trong vòng hơn 40 năm qua. Nhiều người trong số những nạn nhân của ETA thuộc lực lượng cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha và những chính trị gia, luật sư phản đối yêu sách đòi độc lập của tổ chức này. Do đó, hình ảnh của ETA trong cái nhìn của người dân Tây Ban Nha giờ đây khác hẳn với lúc ban đầu thành lập. Còn cộng đồng quốc tế đã coi ETA là một tổ chức khủng bố nguy hiểm và có nhiều biện pháp nhằm hạn chế và tiêu diệt hoạt động của lực lượng này.

Hiện tại, không biết chính xác ETA gồm bao nhiêu thành viên nhưng những bất ổn do ETA gây ra ở xứ Basque cũng như ở Tây Ban Nha đã quá rõ. Và thế lực của ETA đã bị suy giảm đáng kể trong những năm gần đây trước các chiến dịch trấn áp mạnh của lực lượng an ninh Tây Ban Nha và Pháp. Người cầm đầu của tổ chức này là Ibon Gogeascoechea bị truy nã từ năm 1997, đã vào nhà đá vì tội chủ mưu ám sát Nhà vua Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, đòi hỏi ly khai của ETA xem ra không còn hợp thời khi người dân xứ Basque đang được hưởng một cuộc sống ổn định và có đầy đủ quyền lợi không kém gì so với người dân ở bất kỳ khu vực nào của Tây Ban Nha.

Vì vậy, tuyên bố của ETA tuy bất ngờ, song lại nằm trong xu thế của thời đại hiện nay - thời đại không dành chỗ cho các nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan kiểu cũ như quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) ở Bắc Ireland (châu Âu) hay Al Sahabaab ở Somalia (châu Phi) và Abu Sayab tại Philippines (châu Á)... Sự suy tàn của ETA với cuộc giã từ vũ khí dù mới chỉ ở bước đầu tuyên bố là một bài học về các tổ chức vũ trang cực đoan có hành động của chủ nghĩa khủng bố, đi ngược lại xu thế hòa bình đang diễn ra trên toàn thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự suy tàn hợp thời thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.