(HNMCT) - Những năm gần đây, văn học thiếu nhi có những thay đổi mang “hơi thở thời đại”. Những cuốn sách bán chạy hoặc nhận được nhiều sự yêu thích của thiếu nhi đều cho thấy sự nhạy bén của giới sáng tác quốc tế đối với chuyển biến trong suy nghĩ, đời sống tâm sinh lý của giới trẻ hiện nay.
Đứng đầu danh sách 25 tác phẩm văn học hay nhất năm 2020 do The New York Times bình chọn là cuốn truyện tranh “I talk like a river” (tạm dịch: "Tôi nói như một dòng sông") của tác giả người Canada Jordan Scott, minh họa Sydney Smith. Đây là câu chuyện về một cậu bé luôn cảm thấy cô đơn, lạc lõng do bị mắc chứng nói lắp.
Tuy nhiên, cậu bé may mắn có một người cha tuyệt vời, người luôn đứng bên cạnh làm chỗ dựa tinh thần cho cậu. Tình cảm và sự kiên trì của ông đã mang đến những thay đổi tích cực cho con trai mình. Cậu bé nhận ra rằng, cuộc đời cũng giống như một con sông, chảy không ngừng để đổ ra biển lớn. Tuy nhiên, dòng chảy sẽ có lúc gặp nhiều chướng ngại, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, giống như cậu đang mắc chứng nói lắp. Chấp nhận sự thật này và cố gắng vượt qua sẽ là cách tốt nhất để cậu bé hòa nhập với thế giới quanh mình.
Đứng thứ 2 sau “I talk like a river” là cuốn “If you come to earth” ("Nếu bạn đến với trái đất") của tác giả trẻ người Australia Sophie Blackall. Cuốn truyện 80 trang của cô được lấy cảm hứng từ hàng ngàn trẻ em mà Sophie Blackall đã gặp trong các chuyến du lịch vòng quanh thế giới để ủng hộ chiến dịch Bảo hộ trẻ em do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tiến hành.
Cuốn truyện với nội dung hấp dẫn kích thích trí tò mò và tưởng tượng của độc giả nhí, nhưng không thiếu sự hài hước và những chi tiết cảm động. “Hơi thở thời đại” của “If you come to earth” được thể hiện rõ nét qua thông điệp về sự cần thiết phải quan tâm đến trái đất và cách ứng xử tốt đẹp giữa con người với con người.
Theo nhận định của giới sáng tác, do tác động của xã hội hiện đại, tâm lý trẻ ngày nay ít nhiều đã thay đổi và nhu cầu đọc cũng không giống với trước đây nên các nhà văn, nhà thơ cần tìm cách viết phù hợp với thế hệ mới nhưng không làm mất đi tính nhân văn truyền thống, bản sắc văn hóa. Những cuốn sách thiếu nhi được yêu thích trong những năm gần đây đều có nội dung gắn với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn thấm đẫm tính nhân văn, giúp cho tâm hồn trẻ thơ thêm sinh động. Chính những điều này sẽ góp phần định hướng nhân cách và phát triển tâm hồn, trí tuệ cho trẻ.
Nghiên cứu của Giáo sư Kathy G.Short thuộc Trường Đại học Arizona (Mỹ) cho thấy, khi thế giới ngày càng hội nhập, xu hướng sách dành cho thiếu nhi càng thể hiện sự mở rộng của các nền văn hóa. Ví dụ như trước đây, các tác giả người Mỹ thường lấy bối cảnh sáng tác ở những nước nói tiếng Anh như Anh, Canada, Australia. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bối cảnh đã được mở rộng sang châu Âu, châu Á, thậm chí cả châu Phi. Tính đương đại trong các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi được thể hiện rõ nét khi nội dung câu chuyện đề cập tới nhiều vấn đề nóng của xã hội ngày nay như chiến tranh, xung đột và những rủi ro của người di cư, tị nạn, tất nhiên là bằng ngôn ngữ phù hợp với thiếu nhi.
Bên cạnh truyện đương đại, tiểu thuyết giả tưởng cũng thu hút các em nhỏ. Đáng chú ý trong những sáng tác gây ấn tượng lớn trong năm 2020 là cuốn "The Wanderer" ("Kẻ lang thang") của tác giả người Bỉ Peter Van den Ende. Tác phẩm nói về hành trình trên biển vào ban đêm của một chiếc thuyền giấy vào vùng đất không xác định với nhiều nguy hiểm, hồi hộp. Tuy nhiên, nội dung câu chuyện chưa phải là điểm độc đáo nhất. Yếu tố gây nên sự bất ngờ chính là sự dẫn dắt độc giả bằng những hình ảnh sinh động mà không có lời văn. Peter Van den Ende đã cho các em cơ hội tự kể câu chuyện theo ý muốn và chìm đắm trong trí tưởng tượng của chính mình.
Một điểm khá bất ngờ được các nhà xuất bản chỉ ra trong những năm gần đây đó là sự gia tăng số lượng sách liên quan tới tiểu sử và hồi ký, ví dụ như hồi ký của những người tị nạn Somalia, Ethiopia, tiểu sử của một nhà du hành thế giới... Nếu như trước đây thể loại này không được thiếu nhi quan tâm nhiều thì nay dường như đã thay đổi theo chiều hướng ngược lại.
Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ đang làm thay đổi cuộc sống và cách sống của giới trẻ. Cùng với khuynh hướng quốc tế hóa của đời sống, thế hệ trẻ được tự do chọn nơi học, làm việc, cư trú ở mọi nước, nếu thấy phù hợp. Lúc đó, vấn đề căn cội về dân tộc, về văn hóa và bản sắc văn hóa là một tài sản riêng, một nguồn tài nguyên riêng mà mỗi cá nhân cần được chuẩn bị. Và văn học thiếu nhi sẽ phải đóng góp tích cực vào quá trình chuẩn bị ấy bằng những nỗ lực tiếp cận thời đại mới của thế hệ người cầm bút hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.