(HNM) - Sự lão hóa là một thuật ngữ dùng để chỉ sự suy giảm dần về tình trạng sinh lý trong cơ thể với độ tuổi. Quá trình lão hóa làm suy yếu các cơ bắp, làm giảm khả năng hoạt động của cơ thể, khiến các giác quan mất dần những đặc tính quan trọng.
Sự lão hóa xảy ra trong quá trình cơ thể tương tác với môi trường bên ngoài như ánh sáng, những chất độc trong không khí, nước và chế độ ăn uống..., gây nên những thay đổi về mặt cấu trúc và chức năng của những tế bào trong cơ thể. Những thay đổi đó sẽ dẫn đến sự suy giảm chức năng và theo đó là sự chết dần của cả cơ thể. Các nhà khoa học đã xác định từ những thay đổi về mặt di truyền đến những thay đổi về khả năng tự tái tạo của tế bào, khiến cơ thể lão hóa.
Đầu tiên, qua thời gian, cơ thể tích tụ những tổn thương về mặt di truyền qua những tổn thương trên DNA. Một số nghiên cứu cho thấy, một đoạn DNA trong cơ thể được gọi là Telomere đại diện cho tuổi thọ của tế bào. Ở một tế bào bình thường, sau mỗi lần phân chia, một phần của Telomere sẽ mất đi. Khi độ dài của Telomere đạt mức giới hạn, thì tế bào sẽ không còn phân chia được nữa. Nếu đoạn DNA Telomere không được tái tạo, thì tế bào sẽ chết, làm chậm khả năng phục hồi của cơ thể. Một quá trình làm ngưng vòng đời của tế bào khi gặp nguy hiểm như khi các tế bào ung thư phát triển quá mức. Nhưng phản ứng này xảy ra nhiều hơn khi con người già đi, làm ngăn sự phát triển của tế bào và giảm khả năng nhân đôi của chúng.
Những thay đổi khác xảy ra qua quá trình biểu hiện gene. Những gene ít biểu hiện ra ngoài ở trẻ sơ sinh sẽ hoạt động mạnh hơn ở người lớn tuổi, dẫn đến sự phát triển của những bệnh thoái hóa theo tuổi tác như Alzheimer.
Sự lão hóa cũng ảnh hưởng đến những tế bào gốc. Khi con người già đi, số lượng tế bào gốc giảm dần và mất dần khả năng tái tạo, ảnh hưởng đến quá trình tái tạo mô và bảo trì những chức năng nguyên thủy của các cơ quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.