(HNM) - Giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, triển khai thêm nhiều chương trình ưu đãi…, đó là các giải pháp mà nhiều ngân hàng thương mại thực hiện nhằm sát cánh cùng doanh nghiệp ứng phó hiệu quả trước sự tác động của dịch Covid-19.
Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, từ nay đến ngày 30-4-2020, khách hàng kinh doanh thuộc lĩnh vực vận tải, dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu, nhất là khách hàng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất ngành da giày, dệt may từ Trung Quốc, đồng thời là khách hàng hiện hữu, được Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất cho vay VND với khoản vay ngắn hạn và 1,5%/năm với khoản vay trung, dài hạn. Với các khoản vay USD, lãi suất cho vay ngắn hạn giảm 0,5%/năm, vay trung và dài hạn giảm 0,75%/năm. Các khoản vay mới cũng được Vietcombank giảm lãi suất 0,5%/năm với USD và 1%/năm với VND.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã yêu cầu các chi nhánh chủ động làm việc với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để kịp thời áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay... Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng dành riêng cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) khẳng định, ngân hàng sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Theo đó, ngân hàng đưa ra nhiều chương trình tín dụng, trong đó có gói lãi suất cố định ưu đãi vay VND là 5,9%/năm, vay USD từ 2,8%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp lớn...
Hạ lãi suất đồng nghĩa với việc lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm, song theo các ngân hàng đây là việc cần làm. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, với việc giảm lãi suất, ngân hàng sẽ giảm lãi khoảng 300 tỷ đồng - 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm này, ưu tiên hàng đầu của ngân hàng là rà soát khó khăn của khách hàng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Bởi khi khách hàng khó khăn, chất lượng tín dụng cũng bị ảnh hưởng.
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Chi nhánh Hà Nội, việc ngân hàng giảm lãi suất, giãn thời hạn trả nợ là một tín hiệu tích cực, giúp doanh nghiệp đứng vững trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là hành động kịp thời, giúp doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn. Việc ngân hàng giảm lãi suất cũng được coi là một phần nới lỏng chính sách tiền tệ, có thể tác động đến lạm phát, nhưng không đáng ngại bởi sức mua hiện rất yếu.
Liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chỉ đạo, thanh khoản của các ngân hàng thương mại dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn. Vì vậy, các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động.
"Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản nếu các ngân hàng thương mại thiếu. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh lãi suất điều hành, qua đó hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Việc hỗ trợ phải đúng địa chỉ, tránh tình trạng làm theo phong trào", Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.