Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự hình thành "hai nhà nước" ở Trung Đông

Trung Hiếu| 07/10/2011 07:24

(HNM) - Các nhóm theo đường lối cứng rắn tại Israel được xem là nhân tố quan trọng trong hình thành nhà nước Do Thái ở Trung Đông.

Việc tiếp tục xây dựng các khu tái định cư của Israel càng làm cho tình hình Trung Đông thêm căng thẳng.


Dưới sự lãnh đạo của cựu thủ lĩnh Menachem Begin, Israel không ngừng gia tăng hoạt động định cư tại Bờ Tây và dải Gaza. Mùa hè năm 1982, quân đội Israel phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn mang tên "Hòa bình cho Galilee" tấn công Lebanon nhằm quét sạch các căn cứ của lực lượng Palestine đóng gần biên giới phía Bắc Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Ariel Sharon lúc đó đã ra lệnh cho quân đội chặn mọi ngả đường tới Beirut và trục xuất PLO khỏi đất nước. Hiệp định ngừng bắn sau đó giữa Lebanon và Israel đã buộc  các tay súng PLO phải rời Lebanon khiến các trại tỵ nạn của Palestine không có khả năng tự vệ.

Năm 1987, Phong trào Intifada của Palestine, hay còn gọi chiến tranh ném đá intifada, chống lại sự chiếm đóng của quân đội nhà nước Do Thái bắt đầu bùng phát tại Gaza và nhanh chóng lan rộng khắp Bờ Tây. Chiến tranh Intifada đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Lực lượng quốc phòng Israel đã nã đạn vào dòng người biểu tình Palestine. Ước tính đến năm 1993, có tới hơn 1.000 thường dân Palestine thiệt mạng trong các cuộc đụng độ. Mặc dù nắm trong tay sức mạnh quân sự, Israel không thể dập tắt cuộc nổi dậy bởi đại bộ phận người Palestine sống tại các khu vực bị chiếm đóng đều tham gia.

Cuộc nổi dậy sau đó đã trở thành phong trào đòi các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng và đẩy lùi các khu định cư của người Do Thái. Tháng 11-1988, Chính phủ lưu vong của người Palestine được triệu tập tại Algeria và bỏ phiếu thông qua giải pháp "2 nhà nước": Palestine và Israel dựa trên cơ sở Nghị quyết 181 của LHQ ban hành năm 1947 và đề nghị Israel rút toàn bộ quân khỏi   các khu vực chiếm đóng trong chiến tranh năm 1967. Ngày 15-11-1988, nhà nước Palestine được tuyên bố thành lập.

Sau đó, Mỹ bắt đầu đối thoại với PLO. Trong khi đó, Israel vẫn coi PLO là một tổ chức khủng bố và không thể thương lượng. Song, Thủ tướng Israel Yitzhak Shamir đã đề xuất tổ chức bầu cử tại các khu vực chiếm đóng trước khi tiến hành đàm phán về hiệp định tự trị. Ngày 13-9-1993, Thủ tướng Israel khi đó là ông Yizhak Rabin và Chủ tịch PLO Yasser Arafat đã ký kết Hiệp định hòa bình Oslo trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Tinh thần của hiệp định là PLO "thừa nhận quyền sống của Israel trong hòa bình và an ninh, từ bỏ sử dụng công cụ khủng bố cùng các hình thức bạo động khác. Ngược lại, Israel quyết định công nhận PLO như là đại diện của nhân dân Palestine và bắt đầu thương thuyết với PLO trong khuôn khổ tiến trình hòa bình Trung Đông.
Ngày 11-11-2004, Chủ tịch Y.Arafat qua đời. Ngày 9-1-2005, ông Mahmoud Abbas được bầu làm người đứng đầu PLO, mở ra thời kỳ mới cho tiến trình hòa bình. Ngày 25-1-2006, bầu cử Hội đồng lập pháp chính quyền Palestine với thắng lợi bất ngờ của Phong trào Hồi giáo Hamas (76/132 ghế), Fatah chỉ chiếm được 46 ghế. Mỹ, phương Tây và Israel gây sức ép đòi Hamas từ bỏ đấu tranh vũ trang, công nhận nhà nước Do Thái và tôn trọng các thỏa thuận và hiệp định đã ký với Israel. Tuy nhiên, Hamas vẫn giữ lập trường cứng rắn. Ngày 15-6-2007, Hamas làm cuộc chính biến, dùng vũ lực chiếm toàn bộ dải Gaza, đẩy lực lượng Fatah về khu Bờ Tây, làm mâu thuẫn nội bộ Palestine thêm gay gắt. Sau sự kiện này, tiến trình hòa bình Trung Đông về giải pháp "hai nhà nước" đứng trước nhiều khó khăn mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự hình thành "hai nhà nước" ở Trung Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.