(HNM) - Chương trình dạy một số làn điệu chèo, xẩm, hát văn tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội - được khởi động thời gian qua, đã khẳng định tính hiệu quả của việc đưa nghệ thuật cổ truyền đến với khán giả trẻ bằng cách làm mới.
Những người thực hiện chương trình chú trọng sự trải nghiệm, cảm nhận của người tham dự đối với từng khía cạnh, từng phần, từng trích đoạn hay làn điệu, bài ca trong một vở diễn. Mục tiêu đặt ra không nhằm biến người học thành diễn viên, mà để biết, để hiểu bước đầu, có thể nói là đủ để yêu và trân quý nghệ thuật cổ truyền dân tộc.
Mới đây, CLB quan họ Đặng Xá TP Bắc Ninh cho biết, sắp bế giảng một khóa ngắn hạn truyền dạy một số làn điệu quan họ cho người học thuộc nhiều lứa tuổi, nhất là các em học sinh. Cũng có nét tương tự, là hoạt động điền dã tại các đình làng Bắc Bộ do một cán bộ nghiên cứu của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm gây dựng, qua mấy năm đã thu hút được rất nhiều người góp mặt. Gọi là nhóm, nhưng có đông người thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Tất cả vừa đi điền dã, vừa cùng tổ chức những hoạt động gây chú ý như: triển lãm về đình, hoạt động lễ hội, đặc biệt là lên tiếng về sự xuống cấp trầm trọng của một số ngôi đình. Từ những cách làm có tính phân đoạn đó, người tham dự ở vào vị trí nhập cuộc, biết cảm nhận, phân tích, trở thành khán giả tiềm năng của nghệ thuật cổ truyền. Đồng thời, họ sẽ là nhân tố tích cực tham gia bảo tồn, phát huy tinh hoa nghệ thuật diễn xướng, điêu khắc, kiến trúc truyền thống...
Một mặt, các hoạt động nói trên cho thấy tính tích cực của một số cá nhân, tổ chức trong việc bảo tồn nghệ thuật, văn hóa; ngược lại, ít nhiều cũng cho thấy sự thiếu hụt trong hoạt động giáo dục truyền thống đối với lớp trẻ. Lẽ dĩ nhiên, bàn đến các môn nghệ thuật dân tộc, di sản văn hóa của Việt Nam thì cái nào cũng đáng được tìm hiểu, học tập, được đưa vào sách giáo khoa hay tài liệu giảng dạy. Thực hiện điều đó ngay một lúc thì sẽ thành ôm đồm, nặng nề, hình thức. Nhưng nếu biết chọn lựa hợp lý, có cách biên soạn, thể hiện sinh động, dễ hiểu bằng cả văn bản lẫn tài liệu hình, tiếng… thì học sinh, sinh viên có thể hiểu thêm về tinh hoa văn hóa dân tộc…
Sự hiểu biết ấy cần thiết cho những chủ nhân tương lai của đất nước thuộc mọi ngành nghề chứ không chỉ người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.