Giao thông

Sử dụng xe buýt là quyền và trách nhiệm của mỗi công dân Thủ đô

Nguyễn Văn Công 12/08/2024 - 06:20

Trong những năm qua, dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt không ngừng nâng cao chất lượng. Việc sử dụng dịch vụ tiện ích của xe buýt không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của công dân Thủ đô.

638584086427405817-anh-2-2.jpg
Nụ cười hiền hậu của một công nhân lái xe buýt.

Quyền lợi thiết thực

Theo đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”, xe buýt đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đi lại của người dân thành phố Hà Nội ở khu vực nội đô.

Hiện nay, mạng lưới xe buýt đã phủ kín tất cả các quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Thành phố Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang được khai thác và vận hành, trong đó có 128 tuyến có trợ giá và 10 tuyến không trợ giá, có 4.405 điểm dừng và nhà chờ xe buýt. Có 11 đơn vị vận tải tham gia hoạt động khai thác xe buýt với khoảng 2.300 phương tiện đang lưu thông, ước tính mỗi ngày xe buýt chuyên chở hàng chục nghìn lượt hành khách, góp công lớn trong việc giải quyết nhu cầu đi lại của người dân và giảm tình trạng tắc đường trong khu vực nội thành.

Chính vì vậy, từ nhiều năm trước, Hà Nội đã nỗ lực xây dựng và phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, tiện ích và kêu gọi người dân Thủ đô hưởng ứng bằng cách sử dụng các dịch vụ vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân như xe máy và ô tô.

Trên thực tế, để nâng cao chất lượng dịch vụ, xe buýt luôn lấy sự phục vụ hành khách làm trọng tâm, lấy sự hài lòng của hành khách làm thước đo. Vì vậy, tham gia sử dụng dịch vụ xe buýt trước hết mang lại quyền lợi thiết thực cho mọi người dân Thủ đô. Xe buýt giúp mọi người đi làm, đi học được an toàn, sạch sẽ và đảm bảo giờ giấc cũng như giúp tiết kiệm chi phí cá nhân.

Chị Hồ Diệu Huyền, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ: Tôi đi xe buýt đã được gần 15 năm, từ khi còn đi học phổ thông cho đến nay khi đã đi làm. Hằng ngày, tôi di chuyển bằng xe buýt từ huyện Thường Tín đến cơ quan, cảm thấy rất thoải mái, thuận tiện. Với sự đầu tư rất lớn và đồng bộ từ thành phố, chất lượng dịch vụ xe buýt tăng đáng kể và tôi cảm thấy may mắn khi được sử dụng dịch vụ xe buýt của thành phố Hà Nội. Tôi từng xem những phóng sự về tình trạng ùn tắc giao thông hàng giờ liền tại thủ đô Băng Cốc (Thái Lan) hay Jakarta (Indonesia) và hy vọng Hà Nội sẽ không rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Theo số liệu của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng hành khách đi xe buýt theo lượt đã tăng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023.

638584086418512905-anh-1-3.jpg
Sử dụng xe buýt vừa là quyền và trách nhiệm của mỗi công dân Thủ đô.

Trách nhiệm góp phần giảm ùn tắc giao thông

Tuy nhiên, khi nhìn vào năng lực vận tải hành khách của xe buýt, có thể nhận thấy lượng hành khách sử dụng xe buýt chưa đạt được số lượng như kỳ vọng. Có những tuyến buýt khá vắng khách do những nguyên nhân khác nhau, như lộ trình chưa hợp lý, các điểm dừng chưa sát với khu dân cư hoặc phải di chuyển trên những cung đường nhỏ, đông phương tiện...

Dẫu vậy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là người dân chưa hiểu rõ về sự tiện lợi trong việc sử dụng dịch vụ xe buýt, chưa thấy được rằng việc mỗi người sử dụng xe buýt để di chuyển là đã góp phần cùng thành phố Hà Nội giải quyết một phần vấn nạn ách tắc giao thông. Nhiều người ngại đi xe buýt vì không muốn phải đi bộ ra điểm dừng xe buýt, ngại dậy sớm hoặc lo ngại tình trạng móc túi, hoặc do tâm lý muốn sở hữu phương tiện cá nhân của giới trẻ... Đó đều là những nguyên nhân có thể khắc phục được nếu người dân hiểu rõ về sự tiện lợi của việc sử dụng dịch vụ xe buýt.

Sử dụng xe buýt không chỉ là quyền lợi, mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân Thủ đô. Bởi lẽ khi bớt một phương tiện cá nhân là sẽ giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Quỹ đất dành cho đường giao thông có hạn, lượng cây xanh để thanh lọc khí thải từ xe máy, ô tô cá nhân cũng có ngưỡng, nếu như không chủ động hạn chế xe cá nhân thì tình hình ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường khó có thể giải quyết được triệt để.

Ông Nghiêm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội cho biết: “Trong những năm gần đây, Thành phố Hà Nội luôn khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân sử dụng phương tiện công cộng nói chung và xe buýt nói riêng. Ngoài nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, Thành phố còn có chính sách hỗ trợ giá vé cho học sinh, sinh viên hay miễn phí vé cho người cao tuổi, tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, coi việc sử dụng xe buýt vừa như là quyền đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi người dân để hạn chế ùn tắc giao thông, giảm thiểu khí thải ra môi trường. Vì vậy, mỗi công dân Thủ đô có thể thể hiện tình yêu với thành phố bằng một việc làm rất đơn giản, đó là ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hằng ngày, việc làm này tuy nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn và càng lớn hơn khi mọi công dân Thủ đô chung tay cùng thực hiện”.

Trên những chuyến buýt văn minh, an toàn

Một điểm cộng rất lớn giúp thay đổi đáng kể bộ mặt của xe buýt trong những năm qua chính là tác phong, thái độ phục vụ của công nhân lái xe và nhân viên phục vụ trên xe buýt. Nếu như trước kia, hành khách dễ dàng thấy cảnh xe buýt đi ẩu trên đường hoặc nhân viên bán vé có lời lẽ chưa phù hợp với hành khách thì hiện nay, tình trạng này gần như không còn.

Anh Bùi Thanh Quang, nhân viên phục vụ trên tuyến xe 32 bến xe Giáp Bát - Nhổn cho biết: “Vào buổi sáng cũng có một số hành khách đi chợ mang theo đồ lỉnh kỉnh, tuy nhiên, vì số này cũng không nhiều nên tôi cố gắng tạo điều kiện cho họ. Với những hành khách mang hành lý quá cồng kềnh hoặc có mùi hôi tanh thì tôi nhất quyết không cho lên xe, từ chối phục vụ một cách hợp lý, khéo léo. Phải lấy hành khách là trung tâm phục vụ và giữ thái độ văn minh, chuyên nghiệp để người dân yên tâm sử dụng dịch vụ xe buýt”.

Còn anh Vương Tiến Dũng, công nhân lái xe tuyến buýt 11A Công viên Thống Nhất - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Tôi làm nghề lái xe buýt đã tròn 20 năm. Bất cứ công việc nào cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp, tình yêu nghề. Tôi rất vui vì hằng ngày được đưa đón mọi người đi làm, đi học. Mọi hành khách chỉ cần ưu tiên sử dụng xe buýt, lên xe và công việc còn lại hãy để cho chúng tôi làm. Xe buýt hiện đại, văn minh và việc sử dụng tiện ích từ xe buýt là quyền của mọi người dân”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng xe buýt là quyền và trách nhiệm của mỗi công dân Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.