An toàn thực phẩm

Sử dụng rau trái vụ đảm bảo an toàn thực phẩm

Bảo Ngọc 06/10/2024 - 15:42

Ngày nay cùng với việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, nhiều loại rau trái vụ được thu hoạch quanh năm. Tuy nhiên, khi lựa chọn và chế biến rau quả trái vụ, người tiêu dùng vẫn cần lưu ý các nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế độc tố tồn dư.

rau-sach.jpg
Người tiêu dùng nên chọn mua rau, củ, quả trái vụ ở nơi có uy tín, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Đa dạng rau, củ, quả trái mùa

Trong tất cả các thực phẩm tốt cho cơ thể, rau củ quả luôn được đánh giá cao trong việc hỗ trợ làm đẹp da, giữ dáng và thanh lọc cơ thể. Đây cũng là nguồn thực phẩm cần thiết để cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng. Do vậy, “siêu thực phẩm” không thể thiếu trong thực đơn hằng ngày này đôi khi dẫn đến một nghịch lý “rau đắt hơn thịt”.

Theo quy luật của tự nhiên, mỗi loại rau sinh trưởng và phát triển đều cần có những yêu cầu riêng liên quan đến vấn đề thời tiết, thổ nhưỡng, dinh dưỡng... Vì vậy, người trồng rau luôn phải quan tâm đến thời vụ gieo trồng. Một số loại rau được trồng nhiều vào vụ Đông Xuân, còn ở các mùa khác, rau sinh trưởng kém hơn, năng suất thấp, dễ bị sâu bệnh, thậm chí không thể phát triển. Song, những năm gần đây, nhiều địa phương có điều kiện về đất đai, nguồn nước đã vận động nông dân áp dụng các phương pháp kỹ thuật để sản xuất các loại rau trái vụ cho giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với trồng rau chính vụ. Người tiêu dùng cũng được lựa chọn đa dạng nhiều loại rau củ quả trồng rải vụ quanh năm thay vì quan niệm trước đây là mùa nào thức ấy.

Tuy nhiên, không ít bà nội trợ vẫn còn băn khoăn khi sử dụng các loại rau quả trái vụ bởi lo lắng quá trình trồng trái vụ cần sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế, với kỹ thuật trồng rau trong nhà kính, nhà lưới, người nông dân đã trồng được rất nhiều loại giống cây khác nhau. Do đó, nếu áp dụng kỹ thuật đúng cách thì rau trái vụ vẫn có thể sinh trưởng, phát triển như rau chính vụ mà không cần dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

Lựa chọn rau an toàn

Rau quả tươi là thực phẩm rất dễ bị hư hỏng do có chứa nhiều chất dinh dưỡng, nhiều nước, dễ bị lên men và là môi trường thích hợp cho vi sinh vật phát sinh, phát triển. Dù chọn mua rau quả theo mùa hay rau quả trái vụ thì người tiêu dùng đều phải lưu ý các nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm. Rau quả cũng là một trong những loại thực phẩm dễ bị ô nhiễm nhất, bởi vậy nếu không cẩn thận khi lựa chọn rau quả sạch, nguy cơ ngộ độc các loại hóa chất tồn dư sẽ gây nhiều chứng bệnh nguy hiểm cho người tiêu dùng. Do đó, chọn mua rau sạch, thực phẩm sạch là mong muốn chung của các gia đình trước những lo ngại thực trạng thực phẩm bẩn vẫn được trà trộn vào thị trường.

BS.TS Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết: “Rau, củ, quả, đặc biệt là các loại rau lá, không có nhiều chất sinh ra năng lượng cho cơ thể nhưng lại không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Rau cung cấp nhiều chất hoạt tính sinh học, đặc biệt là các muối khoáng có tính kiềm, các vitamin, các chất pectin (một chất xơ) và axit hữu cơ mà các thực phẩm khác không có. Ngoài ra, rau còn cung cấp nhiều xenluloza (chất xơ hòa tan). Một số loại rau ăn lá làm gia vị như mùi, rau thơm, hành, tỏi... có chứa tinh dầu và nhiều hoạt chất tốt cho sức khỏe”.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia thực phẩm, rất khó để phân biệt được rau sạch hay không bằng mắt thường. Trước đây, người ta thường quan niệm đi chợ thấy rau nào có sâu ăn thì đó là rau sạch. Tuy nhiên điều này cũng chưa chính xác. Rau có rất nhiều loại: Rau ăn lá như rau cải, rau muống, rau xà lách, rau cần...; rau củ như cà rốt, củ cải, su hào, củ đậu...; rau quả như cà chua, cà bát, cà pháo, dưa chuột...; rau gia vị gồm các loại hành, tỏi, rau răm, rau mùi... Để chọn rau ăn lá an toàn cho sức khỏe, mọi người nên ưu tiên chọn rau chính vụ. Các loại rau củ, quả phải gọt vỏ như bí, bầu, mướp... thường an toàn hơn các loại rau ăn lá nên có thể ăn trái vụ.

Ngoài ra, trước khi nấu cũng nên rửa rau nhiều lần dưới vòi nước sạch, sau đó ngâm với nước sạch để có thể giảm chất tồn dư trong rau. Ngoài ra nên ưu tiên các cách chế biến chín. Việc ăn rau sống thường xuyên dễ ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, tạo điều kiện cho các loại giun, sán xâm nhập. Các bà nội trợ nên chọn những loại rau củ quả có nguồn gốc từ các đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau, quả an toàn hoặc giấy chứng nhận VietGAP (giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn GAP khác); lựa chọn thực phẩm ở những nơi cung cấp uy tín.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng rau trái vụ đảm bảo an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.