(HNM) - Chủ trương giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Hà Nội theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ đã giải quyết được mối quan hệ lợi ích giữa người nông dân và Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống khu vực nông thôn.
Không kiểm soát nổi
Theo số liệu thống kê, trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng, đến nay, diện tích quỹ đất nông nghiệp toàn thành phố chỉ còn 157.693ha. Việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Hà Nội được phân ra 4 loại: Đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/NĐ-CP, đất sử dụng vào mục đích công ích 5%, quỹ đất vượt 5%, đất nông nghiệp khó giao. Theo quy định tại Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ, căn cứ vào quỹ đất đai, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, HĐND tỉnh, thành phố thuộc trung ương quyết định tỷ lệ đất được để lại cho mỗi xã không quá 5% đất nông nghiệp của từng xã. Quỹ đất này được sử dụng vào các mục đích cho thuê sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hoặc bù lại đất dùng xây dựng các công trình công cộng tại xã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép... Quy định là vậy nhưng do buông lỏng quản lý, tại nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trên đất nông nghiệp hoặc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, cho thuê, cho mượn... khá phổ biến. Ngay cả quỹ đất bãi bồi ven sông cũng bị sử dụng tùy tiện, không kiểm soát nổi.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, hiện quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích trên địa bàn thành phố chỉ còn 10.668,5ha, trong đó 84,43ha bị sử dụng sai mục đích khi giao thầu hoặc bị lấn chiếm. Tại huyện Phú Xuyên, một số xã cho thuê thầu sử dụng quá thời gian quy định 5 năm, diện tích hơn 30,5ha, trong đó sử dụng không đúng mục đích tới gần 12,3ha. Tương tự là huyện Ba Vì, diện tích giao khoán thầu dưới 5 năm là 595,58ha song diện tích sử dụng sai mục đích tới 22,35ha; diện tích giao khoán, cho thuê, mượn trên 5 năm là 63,4ha, trong đó 3,65ha sử dụng không đúng mục đích... Ngoài ra, có tình trạng khá phổ biến là đất do các HTX, thôn quản lý, sử dụng đã giao khoán, cho thuê thầu trước năm 1993 bị lấn chiếm, xây dựng trái phép. Thậm chí, có nơi còn xây dựng các công trình như trường học, nhà văn hóa, sân thể thao trên đất công ích nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cho thuê đất chưa tổ chức bàn giao mốc giới, cho thuê không đúng đối tượng, thời gian thuê đất vi phạm Luật Đất đai năm 2003. Một số địa phương không có bản đồ, hồ sơ, sổ sách quản lý theo quy định; có địa phương có biểu hiện sai phạm trong thu, chi tiền từ việc cho thuê đất nông nghiệp... Tình trạng trên kéo dài đã nhiều năm nhưng chưa được chính quyền sở tại và cơ quan chức năng xử lý kiên quyết, triệt để.
Gấp rút xử lý sai phạm
Để có giải pháp quản lý tổng thể, lâu dài và mang tính ổn định cao đối với quỹ đất nông nghiệp công ích, các quận, huyện, thị xã cần khẩn trương rà soát, tổng hợp quỹ đất đang sử dụng, thống kê, phân loại đầy đủ vi phạm; kiên quyết thanh lý, hủy bỏ hợp đồng đã ký với các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức thuê đất không đúng thời gian theo quy định để ký lại hợp đồng; lập hồ sơ xử lý các trường hợp tự ý xây dựng trái phép; làm rõ số tiền thu, chi từ việc cho thuê đất nông nghiệp công ích để quản lý, sử dụng theo quy định... Đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đã xây dựng công trình trụ sở giao dịch, nhà xưởng, nhà kho… và đang sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo nhiều việc làm cho người lao động, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định, đề nghị xem xét hợp thức quyền sử dụng đất theo quy định. Bên cạnh đó cũng cần tiến hành kiểm điểm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai nói chung và đất nông nghiệp công ích nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.