Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

Chí Kiên| 13/03/2013 06:29

(HNM) - Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.338 công trình thủy lợi, trong đó tưới bằng tự chảy chiếm 20% và tưới động lực khoảng 80%.

Nguyên nhân khiến các công trình không bảo đảm được năng lực thiết kế là xây dựng đã lâu (hơn 75% công trình xây dựng trước năm 1990, trong đó nhiều công trình được xây dựng trước năm 1970 đã xuống cấp, hiệu suất bơm chỉ đạt 60-70% công suất thiết kế); mực nước sông, suối xuống thấp… Đối với vùng bán sơn địa, miền núi, tập trung ở khu vực hữu sông Tích, sông Bùi, khu vực phía tây và bắc huyện Sóc Sơn chỉ có thể dùng nguồn nước tại chỗ, nhưng trữ lượng rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu. Một số khu vực ở huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai phải dùng hệ thống bơm nhiều cấp để lấy nước từ sông, đặc biệt như hệ thống Nội Bài phải bơm đến 3 cấp. Do mực nước trong mùa cạn những năm gần đây xuống rất thấp, dưới cả cao trình đáy cửa lấy nước của các cống, trạm bơm nên các công trình không lấy được nước. Hiện nay, trừ Trạm bơm Thụy Phú (Phú Xuyên) là có thể lấy được đủ nước trong mùa cạn, còn lại các trạm bơm, cống khác ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống như Trung Hà, Cẩm Đình, Phù Sa, Xuân Phú, Đan Hoài, Liên Mạc, Hồng Vân, Thanh Điềm, Ấp Bắc… đều không thể lấy được nước.

Thi công công trình Trạm bơm Hồng Vân (Thường Tín). Ảnh: Đỗ Chí


Về năng lực tiêu, toàn thành phố có 723 công trình đảm trách tiêu cho 212.626ha nhưng thực tế mới tiêu được 161.285ha, đạt 75%. Nhiều trạm bơm tiêu cũ nát, xuống cấp, công nghệ lạc hậu, công suất máy bơm nhỏ, tốn điện năng. Hệ thống tiêu nông nghiệp hiện nay chỉ đáp ứng được với trận mưa 150-200mm trong 3 ngày, nếu xuất hiện mưa (khoảng 250-300mm) thì diện tích ngập úng có thể lên tới 35.000 - 40.000ha. Đối với khu vực nội thành, mới chỉ bảo đảm tiêu được trận mưa khoảng 310mm trong 2 ngày.

Theo quy hoạch phát triển thủy lợi của Hà Nội, có 4 công trình thuộc dự án trọng điểm của thành phố là Dự án tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích (đang triển khai), Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (Từ Liêm) và Trạm bơm tiêu Đông Mỹ (Thanh Trì), cùng với 24 dự án chuyển tiếp sang năm 2013, gồm xây dựng mới trạm bơm, nạo vét kênh mương, xây dựng vai, đập, hồ chứa, kiên cố hóa kênh mương… dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2013 - 2015. Trong giai đoạn này có nhiều công trình trọng điểm, có vai trò lớn trong sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống dân sinh như Trạm bơm Trung Hà, Trạm bơm Đan Hoài, Trạm bơm Đào Xá, Trạm bơm tưới tiêu Phú Yên… Trong năm 2013, thành phố sẽ dự kiến khởi công 47 dự án mới, trong đó có những dự án quy mô lớn như nạo vét, cải tạo sông Giàng (Gia Lâm); xây dựng Trạm bơm Văn Khê, Trạm bơm Phù Sa, nâng cấp Trạm bơm Đào Nguyên, Trạm bơm tiêu Yên Thái; cải tạo, nạo vét sông Tô Lịch…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, thành phố đang chỉ đạo các ngành chức năng liên quan tập trung triển khai, khắc phục khó khăn về vốn, mặt bằng ở một số công trình, dự án chuyển tiếp để hoàn thành đúng tiến độ, sớm đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Quy hoạch thủy lợi của thành phố sẽ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu lớn nhất là bảo đảm khai thác, sử dụng và bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước nhằm phục vụ phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2020 bảo đảm cấp nước cơ bản cho trên 110.000ha sản xuất nông nghiệp; tiêu thoát nước cho 212.889ha, bằng 100% diện tích khu vực sản xuất nông nghiệp và dân cư nông thôn với lượng mưa từ 170-210mm trong một ngày, 250-300mm trong 3 ngày và lượng mưa từ 290-360mm trong 5 ngày; bảo đảm phối hợp với hệ thống thoát nước đô thị để tiêu thoát nước khu vực đô thị.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.