(HNM) - Ở nước ta, phụ phẩm nông nghiệp được đánh giá là nguồn tài nguyên tái tạo phong phú, giàu tiềm năng. Có nhiều lợi ích, nếu chúng ta làm tốt việc chuyển đổi phụ phẩm nông nghiệp thành các sản phẩm giá trị khác có thể góp phần giảm thiểu tác động tới môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và nông dân.
Hiện nay, tổng phụ phẩm nông nghiệp của nước ta vào khoảng 160 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng và quá trình chế biến nông sản, 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi…
Thế nhưng, nguồn tài nguyên quý giá này, xét ở góc độ nào đó, lại đang bị lãng phí khi có tới 45,9% lượng rơm khô và vỏ trái cây bị đốt; chất thải trong ngành chăn nuôi mới tận dụng được 23% để sản xuất phân bón hữu cơ. Trong khi đó, phụ phẩm từ chế biến thủy sản mới chỉ sử dụng làm bột cá, collagen, gelatin…, giá trị đạt được chưa cao so với tiềm năng.
Giá trị rất lớn nhưng để khai thác hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp đang gặp không ít khó khăn. Nổi lên là chưa xây dựng được quy trình thu gom, bảo quản chế biến phụ phẩm nông nghiệp; chưa có khung pháp lý về tái chế phụ phẩm nông nghiệp và thực hiện nông nghiệp tuần hoàn; việc kết nối mô hình sử dụng phụ phẩm với chuỗi giá trị nông sản còn bỏ ngỏ…
Theo một tính toán, tiềm năng sinh khối từ 160 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu DO, với giá trị trên 46 tỷ USD. Đáng chú ý, nguồn lợi này có tiềm năng tạo việc làm cho 180.000 người và làm lợi cho 13 triệu hộ gia đình, 900.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Rõ ràng, việc tận dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp mang lại nguồn lợi rất lớn. Do đó, các bộ, ngành chức năng cần quan tâm, chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách lĩnh vực tái chế phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó cần đặc biệt lưu ý là ban hành các chính sách khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, bao gồm tuần hoàn hở, gắn từng khâu khác nhau vào tuần hoàn kín để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó là hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật sản phẩm chế biến từ phụ phẩm nông nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này bằng các chính sách, như: Hỗ trợ cho thuê mặt bằng đất nông nghiệp sạch, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị…
Mặt khác, triển khai các biện pháp nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp.
Ở góc độ các địa phương, trang trại và người nông dân cần tiếp tục phát triển, mở rộng những mô hình thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp cần hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị: Sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tái chế; sản xuất - chế biến (tái chế) - phân phối - tiêu dùng (sản xuất).
Nhìn chung, vấn đề cốt lõi để bảo đảm hiệu quả lâu dài, bền vững trong việc tái chế phụ phẩm nông nghiệp là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và nông dân về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Làm sao để giúp người sản xuất nhận thức rõ xu hướng tất yếu của kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh nói chung và sản xuất nông nghiệp xanh, tuần hoàn nói riêng trong bối cảnh hiện nay.
Phụ phẩm nông nghiệp là một nguồn tài nguyên nhưng chỉ khi tận dụng, sử dụng hiệu quả thì mới trở nên hữu ích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.