(HNM) - Với nhiều doanh nghiệp (DN), thực hiện các hoạt động từ thiện, xã hội giúp đỡ bằng nhiều hình thức với các gia đình nghèo, gia đình chính sách... không chỉ thể hiện nét đẹp tương thân tương ái của dân tộc, mà còn thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng.
Ở một góc độ khác, với các DN làm từ thiện thực chất cũng là một cách tạo dựng hình ảnh, đưa thương hiệu tới người dân và xã hội để giới thiệu quảng bá về DN, sản phẩm. Đây cũng là cách làm được khuyến khích.
Song, cũng từ việc các DN, đặc biệt DN nhà nước làm từ thiện và chi phí cho các hoạt động xã hội mà dư luận, các cơ quan quản lý nhà nước từng đặt ra câu hỏi, đó là việc sử dụng nguồn tiền từ đâu để chi cho các hoạt động này? Theo quy định hiện hành, DN nhà nước chỉ được sử dụng các nguồn từ kinh phí chi cho hoạt động quảng cáo, truyền thông - là số tiền được giữ lại theo tỷ lệ phần trăm nhất định dựa trên doanh thu - hoặc được sử dụng từ nguồn quỹ phúc lợi của DN. Tuy nhiên, việc này có được các DN tuân thủ hay không lại là một vấn đề, nhiều khi phải đợi kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán mới biết được.
Với ngành Thông tin và Truyền thông (TT-TT), hiện có không ít DN mà chủ yếu là DN nhà nước đã, đang đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội thông qua các hình thức tặng sản phẩm, dịch vụ cho người nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn… bằng các hình thức như xây dựng công trình công ích, tiền mặt, sản phẩm, dịch vụ...
Bên cạnh việc khuyến khích, tại không ít cuộc họp giữa Bộ TT-TT với các DN và chính quyền địa phương, lãnh đạo Bộ TT-TT đã nhiều lần lên tiếng nhắc nhở các DN cần tuân thủ đúng các quy định về tài chính của Nhà nước trong việc thực hiện hoạt động từ thiện xã hội nhằm bảo đảm phát triển DN và cạnh tranh lành mạnh giữa các DN. Đó là DN có quyền tự quyết chi phí cho hoạt động này, song không được sử dụng tiền nhà nước (chính là vốn chi cho hoạt động đầu tư kinh doanh) mà chỉ được lấy từ nguồn quỹ phúc lợi, từ nguồn lợi nhuận sau thuế của DN. Chẳng hạn, tại cuộc họp với UBND TP Hà Nội trong tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cũng đã khuyến cáo với lãnh đạo TP Hà Nội và Tập đoàn Viettel trong việc lắp đặt truyền hình cáp cho hơn 12.000 hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội chỉ được dùng tiền từ quỹ phúc lợi của Viettel để chi cho hoạt động này và nhấn mạnh không được sử dụng tiền nhà nước. Dẫn chứng này chỉ là một ví dụ cho thấy việc quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản của DN rất cần thiết để bảo đảm sự lành mạnh về tài chính, sự lành mạnh trong hoạt động của DN cũng nhằm bảo đảm tránh lãng phí, thất thoát và sử dụng đúng ngân sách nhà nước tại các DN nhà nước. Đó cũng là cách để bảo đảm cho hoạt động từ thiện xã hội được tốt đẹp theo đúng ý nghĩa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.