Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sử dụng đúng ắc quy để tránh rủi ro trên ô tô có tính năng tạm ngắt động cơ

Hoàng Linh| 28/02/2021 19:00

(HNMO) - Ngày nay, không ít ô tô thế hệ mới được trang bị tính năng tự ngắt động cơ khi xe tạm dừng di chuyển nhằm tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải tiêu thụ.

Công nghệ tạm ngắt động cơ khi rảnh rất phổ biến trên ô tô hiện đại.

Công nghệ này mang nhiều tên gọi khác nhau, điển hình như i-Stop trên các xe Mazda, Eco Start/Stop trên xe Mercedes-Benz, Stop & Start Engine System trên xe Toyota... Khi kích hoạt, nó cho phép động cơ ô tô tạm ngắt khi người dùng đạp phanh chờ đèn đỏ, dừng ở vỉa hè..., hoặc khi xe chuyển về cấp số đỗ (P), người dùng tháo dây an toàn... Tuy nhiên, ít ai biết rằng để có thể ngắt động cơ và nhanh chóng đề nổ lại một cách trơn tru, những chiếc ô tô đòi hỏi đặc biệt về chủng loại ắc quy được trang bị. 

Thực tế, hầu hết người dùng ô tô đều nắm rõ một kiến thức cơ bản là các xe vận hành trong đô thị với tần suất đề nổ liên tục (đòi hỏi dòng điện rất lớn) trong khi lại ít thời gian chạy liên tục để sạc đầy sẽ khiến ắc quy chai nhanh chóng. Với các ô tô có công nghệ tạm ngắt động cơ khi rảnh rỗi, mật độ đề nổ gia tăng đáng kể càng khiến ắc quy chịu tải nhiều, dẫn tới suy giảm tuổi thọ. 

Bên cạnh đó, khi ô tô tạm ngắt động cơ, rất nhiều thành phần của xe, trong đó có điều hòa nhiệt độ hay đèn chiếu sáng thế hệ mới, vẫn phải duy trì vận hành. Những thiết bị này đòi hỏi dòng điện cường độ cao một cách liên tục, lẽ ra được cấp nguồn bởi máy phát của xe, nay phải viện nhờ tới ắc quy. 

Trong khi đó, các loại ắc quy ô tô truyền thống chỉ được thiết kế để cấp nguồn điện cho xe đề nổ vài lần trong ngày và nuôi một số thiết bị điện cơ bản không đòi hỏi lớn về nguồn điện (như hệ thống báo động, khóa cửa, hay đèn chiếu sáng) đương nhiên không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của công nghệ tạm ngắt động cơ mới. 

Do đó, những dòng xe có thể tạm ngắt động cơ thường yêu cầu sử dụng loại ắc quy kín khí với van điều áp có tên gọi AGM (Absorbent Glass Mat). Trước đây, loại ắc quy này thường được sử dụng giới hạn trong lĩnh vực hàng hải, viễn thông... do giá thành cao. Đây cũng là lý do khiến ắc quy AGM đôi khi được giới chuyên môn tại Việt Nam quen gọi là ắc quy viễn thông. 

Mặc dù cùng sử dụng nền tảng công nghệ chì - a xít như ắc quy truyền thống, kết cấu khác biệt cho phép ắc quy AGM vượt trội về độ ổn định lưu điện/cấp điện, đồng thời có thể được sạc đầy nhanh hơn nhiều lần và chịu được trạng thái cấp dòng công suất cao. Đặc tính này cho phép nó đáp ứng được nhu cầu điện của các dòng ô tô hiện đại. 

Nhận diện ắc quy AGM (trái) và loại xe yêu cầu sử dụng ắc quy AGM (phải) qua ký hiệu đặc trưng trên tem nhãn và tài liệu hướng dẫn sử dụng.

Việc sử dụng ắc quy AGM không chỉ bảo đảm độ bền của chính nó, mà còn giúp hạn chế hao mòn nhiều thành phần ô tô, trong đó có máy phát và củ đề. Quan trọng hơn, nếu các xe yêu cầu ắc quy AGM nhưng lại bị lắp ắc quy thường có thể đối mặt việc ắc quy hư hỏng bất ngờ dẫn tới nhiều rủi ro trong sử dụng. Ở trường hợp tích cực, xe có thể không nổ được máy dẫn tới phải viện nhờ cứu hộ.

Trong tình huống xấu, hệ thống điều hòa dừng hoạt động giữa trời nắng nóng hay ở nơi nhiệt độ quá thấp có thể đem tới hậu quả chết người. Vì điều này, một số dòng xe cao cấp có thể chủ động cảnh báo hoặc vô hiệu hóa các tính năng nhất định khi nhận thấy loại ắc quy được lắp là không phù hợp.  

Để biết ô tô của mình có yêu cầu sử dụng ắc quy AGM hay không, người dùng cần tham khảo sách hướng dẫn đi kèm xe hoặc liên hệ nhà sản xuất. Về phần mình, ắc quy AGM thường được niêm yết rõ ràng trên tem nhãn. Xe không yêu cầu ắc quy AGM vẫn có thể sử dụng loại ắc quy này một cách bình thường, nhưng là sự lãng phí không cần thiết do giá của ắc quy AGM thường cao hơn gấp rưỡi tới gấp đôi so với ắc quy truyền thống. 

Tại Việt Nam hiện nay, ắc quy AGM phổ biến mức dung lượng từ 70 Ah tới 95 Ah, tương ứng giá bán trong khoảng từ 4,5 triệu tới trên 5 triệu đồng. Trong khi đó, giá ắc quy truyền thống có cùng dung lượng chỉ khoảng từ trên 1 triệu đồng tới 2,5 triệu đồng. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng đúng ắc quy để tránh rủi ro trên ô tô có tính năng tạm ngắt động cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.