(HNM) - Trong khi người tiêu dùng hoang mang thì các cơ quan chức năng, cũng như các tổ chức có chuyên môn lại đùn đẩy trách nhiệm hoặc không đưa ra kết luận chính thức.
Phân biệt rõ, kiểm soát chặt nguồn gốc hóa chất…
Theo các chuyên gia, các loại hóa chất nhằm thúc trái cây mau chín và có hình thức đẹp không có nguồn gốc xuất xứ, không rõ ràng hoặc hóa chất độc hại có nguy cơ rất lớn về sức khỏe, thậm chí gây ung thư. Chính vì vậy, hiện dư luận đang hoang mang trước thông tin nhiều nông dân và thương lái buôn bán hoa quả ở miền Đông Nam Bộ và Đắc Lắc đang sử dụng loại hóa chất có tên là Ethephon để thúc chín hoa quả. Nhiều người cho rằng, chất này chỉ được dùng để kích thích ra mủ ở cây cao su, nên việc sử dụng làm chín trái cây sẽ gây độc hại với sức khỏe con người. Trong khi người tiêu dùng hoang mang thì các cơ quan chức năng, cũng như các tổ chức có chuyên môn lại đùn đẩy trách nhiệm hoặc không đưa ra kết luận chính thức.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng đã có nhầm lẫn trong phân biệt hợp chất sinh học an toàn và không an toàn trong chế biến nông sản. Cụ thể, chất Ethephon, đang khiến người tiêu dùng lo lắng, do một dự án nghiên cứu cấp nhà nước phát triển, đã được nghiệm thu từ năm 2006 và an toàn trong chế biến nông sản. GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sinh học nông nghiệp (thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, không nên đánh đồng việc sử dụng hóa chất sinh học là đều độc hại. Hóa chất sinh học vốn là sản phẩm của thành tựu công nghệ sinh học nên nếu sử dụng những chất được công nhận là an toàn sẽ không gây hại cho sức khỏe con người.
Không thể không ứng dụng công nghệ sinh học an toàn trong sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu. |
… Để không bị tiếng oan
Sự nhầm lẫn nêu trên và cả truyền thông phản ánh chưa chính xác đã khiến người tiêu dùng lo lắng, doanh nghiệp lao đao. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit tâm sự: "Tôi rất buồn khi chứng kiến nhiều loại nông sản Việt Nam phải xuất sang nước thứ hai như Thái Lan, Đài Loan, sau đó mới xuất sang thị trường Châu Âu, Châu Mỹ. Nếu xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nói trên thì thường phải chấp nhận mức giá bèo bọt".
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, sở dĩ nông sản Việt cũng như ngành chế biến nông sản trong nước phải chịu "lép vế" là do nhiều loại nông sản của Việt Nam bị xếp vào nhóm có mức độ an toàn thấp, chỉ sau Trung Quốc. Vẫn theo ông Viên, trong ngành chế biến nông sản, không thể chờ từng trái cây chín rồi mới chế biến, nhất là các loại trái cây khó chín đồng loạt. Doanh nghiệp phải áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ sinh học bảo đảm an toàn để làm chín trái cây.
Nhằm giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về Ethephon, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới (TARCC) cho rằng, cách làm chín trái cây truyền thống theo kinh nghiệm dân gian từ khí đá, chất Ethephon thực ra là khí đá nóng được làm lỏng, do đó vô hại đối với sức khỏe con người. Liên quan đến việc lo ngại trái cây được ngâm hoặc nhúng trực tiếp vào Ethephon sẽ không tốt, TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết, thời gian phân hủy của Ethephon rất nhanh nên an toàn cho sức khỏe.
Nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp cũng khẳng định, Ethephon không phải là hóa chất độc hại, nếu sử dụng với liều lượng hợp lý sẽ kích thích trái cây chín nhanh và đều, qua đó giúp người nông dân gia tăng giá trị cho hoạt động sản xuất. Các ý kiến cũng thống nhất rằng, phát triển nông nghiệp hiện đại không thể thiếu những ứng dụng công nghệ sinh học. Do vậy, cần phải có cái nhìn đúng đắn về việc sử dụng hợp chất sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.