Phụ gia là chất được bổ sung vào thực phẩm trong quá trình chế biến hoặc bảo quản nhằm giúp món ăn thêm ngon miệng, hấp dẫn hơn.
Hiện có hàng trăm loại phụ gia thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, đáng lo ngại là việc sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép đang trở thành một vấn đề không nhỏ đặt ra trong cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn”.
Những tác hại không ngờ
Hiện nay, việc sử dụng phụ gia trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm khá phổ biến. Phụ gia có thể là những chất được người sản xuất, chế biến cố tình trộn thêm vào thức ăn hoặc thức uống để cho chúng khỏi bị hư, thối với mục đích kéo dài thời gian bảo quản, nhưng vẫn không làm thay đổi chất lượng và hương vị của sản phẩm. Đôi khi người sản xuất còn sử dụng phụ gia để cho thực phẩm được dai, được giòn hơn, hay để có màu sắc hoặc mùi vị hấp dẫn người tiêu dùng.
Chẳng hạn, nhờ chất phụ gia mà bánh mì có thể giữ được lâu ngày hơn, không sợ bị mốc; bánh quy giữ được độ giòn rất lâu; củ kiệu được ngâm trắng giòn; dăm bông, xúc xích vẫn giữ được màu hồng tươi hấp dẫn; dầu ăn và bơ nhờ được trộn thêm một số chất chống ô xy hóa nên không bị ôi thiu…
Theo quy định của Bộ Y tế, Việt Nam cho phép sử dụng 400 loại phụ gia thực phẩm. Việc sử dụng các phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục này là hết sức nguy hiểm cho sức khỏe con người. Bởi đó có thể là những chất đã bị cấm sử dụng hoặc những chất chưa có kết luận thử nghiệm, chưa bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Thế nhưng, vì lợi nhuận nên người sản xuất, chế biến thường chỉ quan tâm đến tác dụng mà không quan tâm đến tác hại của các chất phụ gia. Trong khi đó, tác hại của các chất phụ gia thực phẩm đối với sức khỏe con người thường diễn biến âm thầm, kéo dài theo dạng tích tụ và hậu quả thường không xảy ra ngay lập tức nên khó có thể nhận biết.
Đề cập đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, đối với phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, trên bao bì bao giờ cũng ghi rõ tên hóa chất, thành phần hóa học, tính năng kỹ thuật và tính chất vật lý (dạng lỏng hay rắn...), liều lượng, cách dùng (vào lúc nóng hay nguội...), tính độc với con người, độc với nồng độ bao nhiêu. Nếu sử dụng các phụ gia này đúng loại, đúng liều lượng sẽ có nhiều tác dụng tích cực, tạo được nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng.
Cùng với đó, phụ gia cũng giúp giữ được chất lượng của thực phẩm cho tới khi sử dụng, tạo sự dễ dàng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và làm tăng giá trị thương phẩm trên thị trường. Ngược lại, nếu sử dụng các chất phụ gia không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia nằm ngoài danh mục cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây ra những tác hại không ngờ đối với sức khỏe.
Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng, nếu sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép và quá liều lượng sẽ gây ngộ độc cấp tính. Nếu dùng liều lượng nhỏ, thường xuyên, liên tục một số chất phụ gia thực phẩm bị cấm, tích lũy trong cơ thể, gây tổn thương lâu dài, sẽ gây ngộ độc mãn tính. Chẳng hạn, khi sử dụng thực phẩm có hàn the, chất hóa học này sẽ được đào thải qua nước tiểu 81%, qua phân 1%, qua mồ hôi 3%, còn lại 15% được tích lũy trong các mô mỡ, mô thần kinh, dần dần tác hại đến nguyên sinh chất và đồng hóa các amino, gây ra một hội chứng ngộ độc mãn tính như: Ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận, da xanh xao, động kinh, trí tuệ giảm sút. Nguy hiểm hơn nếu dùng phụ gia không cho phép, nhất là các chất phụ gia tổng hợp, về lâu dài tích tụ trong cơ thể dẫn đến nguy cơ hình thành khối u, ung thư, đột biến gen, quái thai...
Không nên lạm dụng
Để sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cho biết, việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm phải tuân thủ các nguyên tắc, sử dụng đúng loại phụ gia thực phẩm trong danh mục cho phép, đúng đối tượng, đúng hàm lượng theo quy định của Bộ Y tế. Các phụ gia thực phẩm phải bảo đảm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng và phải đáp ứng yêu cầu về an toàn theo quy chuẩn và tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, chỉ nên sử dụng các phụ gia thực phẩm thuộc loại tự nhiên và phụ gia thực phẩm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về độ an toàn khi đưa vào cơ thể. Với những loại phụ gia thực phẩm là hóa chất, ngay cả khi đã được cho phép cũng nên dùng càng ít càng tốt và nếu không thật sự cần thiết thì không nên dùng.
“Phụ gia thực phẩm không phải là chất dinh dưỡng nên không có nó cũng không sao. Cảm giác ngon miệng với phụ gia thực phẩm thật ra là một thói quen. Để hạn chế sử dụng phụ gia thực phẩm, cách đơn giản nhất là tập thói quen không sử dụng phụ gia”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh lưu ý.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhấn mạnh, khi chọn mua thực phẩm, người tiêu dùng nên lưu ý lựa chọn các sản phẩm có dán nhãn, không nên ham rẻ mua hàng không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, người tiêu dùng lưu ý, trên nhãn mác phải có đầy đủ thông tin như: Tên hàng hóa, địa chỉ sản xuất, hướng dẫn sử dụng, thời hạn bảo quản, các chất phụ gia... Riêng với hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn phụ ghi những thông tin thuộc nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt đính kèm nhãn gốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.