Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự đầu tư cần thiết

Minh Thúy| 21/10/2017 06:20

(HNM) - Cảnh nhà văn hóa, sân thể thao “cửa đóng, then cài” là thực trạng xảy ra ở không ít địa phương, trong khi vẫn có những nơi chưa có nhà văn hóa. Tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn TP Hà Nội, chỉ 3.879/7.980 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng.


Sự khuyết thiếu, nghèo nàn trong cả nội dung hoạt động lẫn cơ sở vật chất của thiết chế văn hóa này là điều rất đáng phải ngẫm suy.

Thực tế, rất nhiều nhà văn hóa, khu trung tâm thể dục - thể thao cấp quận, huyện, thậm chí cả cấp xã được đầu tư bài bản, nhưng người dân không được tiếp cận thường xuyên. Trong khi đó, nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố, nơi gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư lại thiếu hụt và chưa được đầu tư đúng hướng. Để nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của thiết chế văn hóa này, nên chăng cần một cách tiếp cận khác? Cần nhìn nhận vai trò, ý nghĩa của nhà văn hóa cấp cơ sở theo chiều “từ dưới lên”. Việc chú ý đầu tư xây dựng và định hướng, triển khai hoạt động cũng cần theo hướng đó.

Khi đã có "vỏ", để bảo đảm nội dung hoạt động của thiết chế văn hóa phong phú, hấp dẫn, điều tiên quyết vẫn là đổi mới nội dung, chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu người dân. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở phải là những người có chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời có gắn bó mật thiết với làng, xã, khu dân cư. Từ đó, họ có thể nắm bắt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của cộng đồng và đề ra những hoạt động hấp dẫn, thu hút sự tham gia của người dân.

Song, thiết chế văn hóa này khó hoạt động hiệu quả khi không được đầu tư cơ sở vật chất và thiếu nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên. Giải bài toán này, nhiều địa phương đã đẩy mạnh xã hội hóa, tuy nhiên, hiệu quả còn hạn chế, nhất là ở nông thôn. Thực tế này đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa, tránh để các thôn, làng, tổ dân phố tự “bơi” trong quản lý, sử dụng nhà văn hóa, sân thể thao...

Và, điều quan trọng nhất là để người dân coi nhà văn hóa là nơi gần gũi, thân thuộc, các cấp, ngành liên quan cần mở rộng chức năng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi hội họp, văn nghệ, thể thao (có tính hình thức) đơn thuần, mà phải mang tính đa năng, thiết thực, đáp ứng được mọi nhu cầu văn hóa tinh thần thường xuyên của các tầng lớp nhân dân. Cũng nhằm phá bỏ sự cứng nhắc trong quá trình hoạt động, cơ chế về quản lý, sử dụng nhà văn hóa hiện nay cần sửa đổi để có thể vận dụng linh hoạt, mở rộng phạm vi hoạt động so với quy định hiện hành.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020, 100% thôn, làng có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng; 100% xã có điểm tập luyện thể thao theo Chương trình 04-CTr/TU về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020, dứt khoát cần có những biện pháp tổng thể. Một điều quan trọng nữa, nhằm tránh bệnh thành tích, đủ điểm cho danh hiệu thi đua (đạt chuẩn nông thôn mới, tổ dân phố văn hóa…), khi xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở, nhất thiết phải đồng thời tiến hành hai việc: Xây dựng cơ sở vật chất và nội dung hoạt động.

Nhìn từ chiều sâu lịch sử, sức sống của các giá trị văn hóa Việt Nam xưa nay đều được cộng đồng nuôi dưỡng, bảo tồn. Vì vậy, các hoạt động văn hóa tổ chức ở cấp làng (thôn) dễ phù hợp, gắn chặt với người dân, cụ thể và sống động.

Điều này càng cho thấy, việc đầu tư thiết chế văn hóa luôn là cần thiết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự đầu tư cần thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.