Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự cố hạt nhân Fukushima, tại sao?

Quỳnh Chi| 21/03/2011 06:52

(HNM) - Tổ hợp Nhà máy Điện nguyên tử ở tỉnh Fukushima (Nhật Bản) được thiết kế để "sống sót" kể cả khi động đất lên tới 9 độ richte nhưng chắc những tác giả của bản thiết kế đó không ngờ có ngày Fukushima lại phải đứng trước nguy cơ bị khai tử do hậu quả kép của cả động đất lẫn sóng thần.

Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima bị thiệt hại nặng nề sau trận động đất, sóng thần.

Tỉnh Fukushima có hai nhà máy điện hạt nhân là Fukushima I (còn gọi là Fukushima Dai-ichi) và Fukushima II (Fukushima Daini), cách nhau 115km.

Fukushima I, được Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) xây dựng và vận hành cách đây 40 năm, là một trong 25 nhà máy điện lớn nhất thế giới với 6 lò phản ứng nước sôi. Tức là, trong lò phản ứng, lõi của các thanh nhiên liệu uranium tác động lẫn nhau để tạo ra nhiệt tới 2.200 độ C. Quy trình bắt đầu bằng nhiệt lượng đun sôi nước, nước biến thành hơi và hơi được sử dụng để quay một tuabin phát điện.

Các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại ở Fukushima đều là loại lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ II, được xây dựng cách đây 40 năm, cùng thời với các lò phản ứng hạt nhân Chernobyl của Nga và Three Mile Island của Mỹ. Do Nhật Bản nằm đúng vành đai lửa của Thái Bình Dương nên Fukushima được trang bị tổng cộng tới 5 hệ thống an toàn bao gồm những thiết bị tối tân nhất. Qua thời gian, các thiết bị an toàn đã được nâng cấp. Nhưng khiếm khuyết đã bộc lộ trong cuộc động đất, sóng thần lịch sử vừa qua.

Khi động đất xảy ra, hệ thống kiểm soát các thanh nhiên liệu đã được kích hoạt, giúp nhà máy tự động ngừng vận hành. Nhưng "tắt máy" một lò hạt nhân rất phức tạp, đòi hỏi thời gian và phải có một hệ thống giảm nhiệt tại tâm lò. Nếu không, sức nóng sẽ tăng dần, thiêu hủy vật liệu bảo vệ lò phản ứng và khiến nó nổ tung như một quả bom nguyên tử. Thế nhưng, trận sóng thần vừa qua đã khiến toàn bộ hệ thống máy phát điện khẩn cấp của Fukushima I tê liệt. Các máy bơm đưa nước tinh khiết vào làm mát lõi lò phản ứng đã không hoạt động được sau động đất khi cơn sóng thần khủng khiếp ập đến ngay sau đó. Sử dụng nước biển để làm mát trong tuần qua để cứu lò phản ứng bị hư hại là biện pháp cuối cùng mà các kỹ sư Nhật Bản phải thực hiện vì muối mặn sẽ làm cho lõi lò trị giá 1 tỷ USD trở thành "đống sắt gỉ".

Đến giờ, không ai có thể dự đoán liệu biện pháp làm nguội các lò phản ứng có mang lại kết quả như ý hay không. Khả năng "chôn" lò phản ứng hạt nhân bị hư hại bằng bê tông đã được đặt ra nếu các biện pháp khắc phục trước đó đều vô hiệu. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng tình hình ở Fukushima I sẽ không vượt khả năng kiểm soát vì ngoài những bộ phận an toàn và nỗ lực của mình, Nhật Bản cũng đang nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ các chuyên gia hạt nhân hàng đầu thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự cố hạt nhân Fukushima, tại sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.