Chính trị

Sống mãi ký ức hào hùng về “Đại đội 2.000”

Đại tá Ngô Văn Bỉnh (Nguyên cán bộ Cục Khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng) ghi 26/03/2024 - 07:36

Mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ký ức về những ngày tham gia chiến dịch lịch sử “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” của những cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367 pháo cao xạ lại ùa về.

Trong đó, câu chuyện về Đại đội 817, Tiểu đoàn 383 với biệt danh "Đại đội 2.000" qua lời kể của Đại tá Nguyễn Trấn - nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367, hiện là Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 367 trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), được nhắc đến với đầy sự trân trọng, tự hào.

trung-doan-367-phao-cao-xa-.jpg
Trung đoàn 367 pháo cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Biệt danh “Đại đội 2.000” ra đời như thế nào?

Ở Tiểu đoàn 383, nhiều đại đội ra quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ và đều lập công. Như Đại đội 815 trong ngày thứ hai của chiến dịch, vào hồi 8h30 ngày 14-3-1954, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Lê Bá Thao, bằng một loạt điểm xạ đầu tiên đã bắn rơi chiếc máy bay trinh sát Moran. Đó là chiếc máy bay đầu tiên bị tiêu diệt tại chỗ. Với thành tích đáng tự hào trên, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 815 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, cờ thưởng “Lập công đầu” và là cơ sở xây dựng lòng tin cho bộ đội pháo cao xạ trong phong trào thi đua tiêu diệt máy bay địch. Trong khi đó, Đại đội 817 đã bắn đến 2.000 viên đạn mà không hạ được chiếc máy bay vận tải ĐaKôTa thả dù tiếp tế. Một kỷ lục đáng buồn và biệt danh “Đại đội 2.000” do cán bộ, chiến sĩ tự đặt ra đời từ đó.

Tìm hiểu về “Đại đội 2.000”, chúng ta bắt đầu từ những người chỉ huy đơn vị... Đại đội trưởng Trần Thọ Vệ sau mỗi trận đánh đều rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân chủ quan; đồng thời cùng với Trung đội trưởng chỉ huy Trần Hùng bao lần mò tìm điểm hình chiếu của đường bay để nghiên cứu, quan sát vết đạn của đại đội sai lệch như thế nào mà không bắn rơi được máy bay địch. Vốn đã chỉ huy đại đội pháo 37 ly đầu tiên bảo vệ cầu Thủy Khẩu bắn rơi 1 máy bay với một loạt điểm xạ, Đại đội trưởng Trần Thọ Vệ biết rằng khi đó địch không biết ta có pháo cao xạ, nên bay với tốc độ đều, hướng bay không thay đổi, hoàn toàn phù hợp với phương án tác chiến của đại đội. Còn ở đây, địch đã biết có pháo cao xạ, nên thủ đoạn luôn thay đổi và còn kết hợp với pháo binh tiêu diệt các trận địa. Máy bay vận tải thả dù tiếp tế cũng bay cao hơn, hết tầm bắn của pháo cao xạ, chọn đường bay hiểm hóc, nhanh chóng trút dù tiếp tế rồi chuồn thẳng. Loại máy bay khu trục đánh phá cũng bay cao hơn, bổ nhào ngắn hơn, chớp chảo trút bom và ngoặt nhanh chạy trốn…

Áp lực chưa dừng ở đó, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt 2 (từ ngày 30-3 đến 30-4-1954), vòng vây đang siết chặt khu trung tâm Mường Thanh, thắng lợi đến nhanh càng làm cho cán bộ, chiến sĩ lo lắng, bồn chồn sợ không còn điều kiện bắn rơi máy bay để ghi công ở Điện Biên Phủ. Vì vậy, mỗi lần vào trận bắt được mục tiêu máy bay, bắn loạt đầu không trúng, vì ham mồi, Đại đội trưởng hạ lệnh liên tiếp, pháo thủ đạp cò liên hồi, cứ như thế con số 2.000 viên đạn đến lúc nào không biết và biệt danh “Đại đội 2.000” ra đời từ đó.

Thành tích "khóa sổ" vẻ vang

Được sự chỉ đạo sát sao của cấp trên cùng những bài học rút ra từ thực tiễn, Đại đội 817 sôi sục ý chí quyết tâm bắn rơi máy bay địch. Theo đó, Chính trị viên Đại đội 817 Phạm Hồng Liên chủ trì buổi sinh hoạt dân chủ, khơi dậy lòng tin vào vũ khí và những kỹ thuật đã học trong cán bộ, chiến sĩ. Đại đội phó Đỗ Văn Dĩnh cùng quân khí kiểm tra vũ khí, khí tài từ chân kích, đường ngắm, lấy lại thăng bằng cho pháo, lau lại đạn... Đại đội trưởng Trần Thọ Vệ luyện tập lại phương án tác chiến. Mọi việc đã sẵn sàng...

Sáng 7-5-1954, Đại đội 817 làm công tác chuẩn bị chiến đấu theo quy định, háo hức chờ lập công. Đại đội trưởng Trần Thọ Vệ và chính trị viên Phạm Hồng Liên được triệu tập về Sở Chỉ huy Trung đoàn 367 báo cáo tình hình và nhận chỉ thị. Trong khi đó, Đại đội phó Đỗ Văn Dĩnh chỉ huy trận địa.

Khoảng 8h30 ngày 7-5-1954, đài trinh sát xa thông báo có nhiều tiếng máy bay khu trục từ núi Pú Hồng Mèo dội tới. Các đại đội đều phát hiện 4 chiếc máy bay đang bay theo đội hình bậc thang đã vào đến cự ly 6.000m và chuyển thành hàng dọc. Chiếc đi đầu ngóc lên bổ nhào vào trận địa Đại đội 817. Dưới sự chỉ huy của Đại đội phó Đỗ Văn Dĩnh, điểm xạ từ trận địa pháo vút lên bắn trúng chiếc đi đầu bốc cháy lao xuống đất cách trận địa 600m. Chiếc máy bay thứ 2, thứ 3 cùng góc bổ nhào lao vào trận địa. Hai loạt điểm xạ tiếp theo bắn cháy một chiếc, rơi xuống cánh rừng cách trận địa gần 2.000m, chiếc còn lại mất hút sau dãy núi cao. Thấy nguy cơ bị tiêu diệt, chiếc thứ 4 ngóc đầu lên tăng tốc rời khỏi vùng hỏa lực bay tạt sau dãy núi Hồng Cúm. Trong vòng chưa đầy 5 phút, Đại đội 817 bắn rơi tại chỗ 2 máy bay F4U của Mỹ vừa viện trợ cho Pháp.

Hai xác máy bay F4U đã bung lên trên chiến hào Điện Biên Phủ cũng là lúc nhận tin thông báo bắt sống được tướng Đờ Cátxtơri và toàn bộ ban tham mưu tập đoàn cứ điểm… Hai máy bay F4U đã ghi những con số cuối cùng về tổng số lượng 62 máy bay bị bắn rơi tại Điện Biên Phủ. Trong chiến thắng chung đó, chiến công của “Đại đội 2.000” được ghi danh và "khóa sổ" vẻ vang.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sống mãi ký ức hào hùng về “Đại đội 2.000”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.