Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sông Hồng sâu 10 cm, hồ Hòa Bình lại cạn

Thu Hoài| 15/10/2010 14:39

Gần đây, sông Hồng phải trải qua những ngưỡng cạn dòng nặng nề nhất trong lịch sử, khi mực nước chỉ còn 0,1m. Ngay các tháng cuối mùa lũ, dòng chảy về Hà Nội cũng suy giảm rõ rệt.


Dòng sông đỏ nặng phù sa của Đồng Bằng Bắc bộ ngày càng cạn kiệt. Ảnh: Như Ý

Hội tưới tiêu Việt Nam vừa đưa ra một loạt những số liệu đáng lo ngại, cho thấy sự cạn kiệt ngày càng tăng của những con sông lớn ở Đồng bằng Bắc bộ. Từ năm 2004 đến nay, mực nước trên các sông Hồng, sông Đuống tại Hà Nội ngày càng hạ thấp. Dòng chảy về Hà Nội vào các tháng cuối mùa lũ giảm rõ so với trung bình nhiều năm (TBNN). Giá trị trung bình dòng chảy các năm gần đây đã giảm 636m3/s vào tháng 10, giảm 506m3/s vào tháng 11… Nước lũ lại chậm về, khiến tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực này đang diễn ra nghiêm trọng.

Trong khi sông Hồng ngày càng “chở nhẹ phù sa” hơn, thì nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp ở hạ du rất lớn, nhất là vụ Đông Xuân với diện tích trồng lúa khoảng hơn 500.000 ha và 70.000 ha trồng màu. Ngoài ra, còn nước sinh hoạt cho hơn 14 triệu người, phục vụ chăn nuôi cho 5 triệu gia súc, cùng một lượng nước rất lớn cho công nghiệp và các làng nghề. Việc thiếu nước khiến diện tích lúa Đông Xuân ngày càng giảm.

Trong khi đó, lãnh đạo các hồ thủy điện cũng vừa công bố những con số giật mình. Ông Mai Văn Biểu, Công ty thủy điện Hòa Bình, cho biết, giai đoạn trước, lưu lượng nước về hồ nhỏ nhất cũng đạt tới 200m3/s, nhưng năm nay chỉ còn 30m3/s. Hiện tại, hồ Hòa Bình chỉ tích được 2,6 tỷ m3 nước, đạt 43% so với dung tích thiết kế. Với lượng nước này thì mùa khô năm 2010 - 2011 sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Sông Hồng cạn đang là nỗi lo lớn của các tỉnh vùng đồng bằng trù phú này. Mùa khô năm 2009 - 2010 vừa qua, mực nước sông Hồng đã hạ xuống mức 0,1 m - mức thấp nhất trong lịch sử quan trắc từ trước tới nay. Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Ninh nói, những tháng đầu năm 2010 vừa rồi, hầu hết các trạm bơm trên địa bàn Bắc Ninh đều không lấy được nước. Vụ Đông Xuân 2011 sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. Bởi lượng mưa thiếu hụt lớn, dòng chảy trên các sông thấp, nước về các hồ quá ít.

Theo các chuyên gia, ngoài giải pháp không cách nào khác là tiết kiệm nước, cải tạo lại tất cả hệ thống thủy lợi, thì việc sản xuất vụ Đông Xuân tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ từ nay phụ thuộc hoàn toàn vào lượng nước xả từ các hồ thủy điện, chứ không còn là giải pháp tình thế như trước đây. Như vậy, các công trình thủy điện, ngoài chức năng chính là sản xuất điện, còn phải đảm bảo mùa màng cho vùng này.

Đến năm 2025, nguồn nước của Việt Nam sẽ bị giảm khoảng 40 tỷ m3. Sức ép về sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế xã hội, làm nhu cầu sử dụng nước tăng lên. Trong khi chúng ta phải gánh chịu điều bất lợi, là gần 40% lượng nước phát sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam, GS.TS Trương Đình Dụ, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, dự báo.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sông Hồng sâu 10 cm, hồ Hòa Bình lại cạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.