Nhận diện tính đặc thù của Hà Nội, trong đó có yếu tố môi trường, cảnh quan và không gian mặt nước là yêu cầu tất yếu trong xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Vì thế, sông hồ Hà Nội là yếu tố không thể thiếu trong mọi kế hoạch kiến tạo Thủ đô, cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai.
Mạng lưới sông hồ dày đặc
Hà Nội là đô thị có mạng lưới sông khá dày, tạo nên nét độc đáo của Thủ đô. Hai con sông lớn nhất miền Bắc chảy qua Hà Nội là sông Hồng và sông Đáy, ngoài ra còn có sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đuống, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Kim Ngưu, sông Thiếp... phân bố đều khắp nội thành, ngoại thành. Mỗi dòng sông đều có đặc điểm riêng về chức năng, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, trong không gian cảnh quan và cả trong truyền thuyết, tâm linh.
Sông Hồng bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) với chiều dài hơn 1.200km, trong đó có gần 600km chảy qua các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đoạn chảy qua Hà Nội dài 40km (trước khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô vào năm 2008) và 118km (sau khi mở rộng). Thượng lưu sông Hồng phân thành 3 nhánh chính là sông Đà, sông Lô, sông Thao và phân nhánh vào sông Đuống ở Hà Nội. Đây là dòng sông gắn liền với sự phát triển của thành phố, là nơi hình thành điểm dân cư đầu tiên, nơi giao thương với các tỉnh lân cận, nơi hội tụ nhiều di tích văn hóa - lịch sử và cơ sở an ninh quốc phòng. Song, đây cũng là dòng sông tạo nhiều thách thức, từ sự biến đổi thế sông đến mức nước (lúc thấp có khi chỉ còn 2 - 4m, cao nhất đạt 13m so với mực nước biển).
Ngay từ năm 1954, Hà Nội đã nghiên cứu khai thác quỹ đất ven sông để xây dựng các nhóm tiểu khu nhà ở theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Năm 1956, với sông Hồng chúng ta đã có quy hoạch về hành lang thoát lũ, năm 1994 thì lập quy hoạch hai bên sông, rồi quy hoạch chỉnh trị sông Hồng (1997), quy hoạch giao thông thủy (1998), quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng (2005 - 2007) do Hà Nội và Seoul (Hàn Quốc) phối hợp. Đó là chưa kể các dự án phát triển trong chương trình tổng thể phát triển Thủ đô (2007) do Hà Nội và tổ chức JICA (Nhật Bản) phối hợp, hay Quy hoạch phát triển du lịch dọc sông Hồng... Đặc biệt, chỉ tính riêng giai đoạn 1992 - 2008 đã có gần 20 dự án của trong và ngoài nước (Italia, Trung Quốc, Mỹ, Singapore...) với đề xuất xây dựng bãi giữa và khu vực ven sông Hồng. Hiện nay, trong các quy hoạch của Thủ đô đều xác định trục sông Hồng là trục cảnh quan chính của thành phố, trục kinh tế, thương mại dịch vụ, du lịch, văn hóa, điểm nhấn của đô thị trung tâm, con đường di sản...
Sông Đáy còn có tên là Hát Giang, là phân lưu của sông Hồng với chiều dài khoảng 240km chảy qua Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định..., là nơi ghi dấu nhiều di tích lịch sử về Hai Bà Trưng và các danh nhân văn hóa khác. Sông Đuống (sông Thiên Đức) dài 68km, kết nối sông Hồng với sông Thái Bình, đã có quy hoạch và dự án xây dựng bến cảng, khu nghỉ dưỡng... từ năm 2002.
Sông Tô Lịch là dòng sông cổ của Thăng Long từng ghi dấu cảnh buôn bán sầm uất ở hai bên bờ. Cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã điều chỉnh dòng sông, lập một số phố mới như Nguyễn Siêu, Hàng Lược... Năm 2003, Thành phố lập quy hoạch hai bên sông, nhiều dự án đã triển khai nhưng chưa đồng bộ. Gần đây, con sông này nằm trong chương trình phối hợp của Thành phố với Nhật Bản để hướng tới xây dựng trục cảnh quan công viên văn hóa, lịch sử.
Sông Kim Ngưu là một nhánh của sông Tô Lịch. Từ năm 2000, Hà Nội đã có quy hoạch hai bên sông để xây dựng các không gian công cộng. Sông Nhuệ (còn gọi là sông Từ Liêm - Nhuệ Giang, dài hơn 70km chảy uốn khúc qua Hà Nội) là dòng sông gắn với nhiều làng cổ và lễ hội đua thuyền trước đây. Sông Cầu bắt nguồn từ Bắc Kạn với chiều dài gần 290km - đoạn chảy qua Hà Nội chỉ hơn 20km, có 2 phụ lưu lớn là sông Công, sông Cà Lồ được biết tới với phòng tuyến chống quân Tống do Lý Thường Kiệt lập nên. Chỉ dài hơn 20km và chảy qua Mê Linh thông với đầm Vân Trì (Đông Anh) là sông Thiếp - dòng sông cổ gắn với thành Cổ Loa. Nơi đây đã có nhiều dự án khai thác, phát huy giá trị phục vụ du lịch văn hóa. Sông Cà Lồ, trước đây là một nhánh của sông Hồng, nhận nước của nhiều sông suối từ Tam Đảo, gắn với địa giới Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn và trong tương lai là trục cảnh quan của Thành phố phía Bắc.
Đóng góp quan trọng trong cấu trúc đô thị
Từ xa xưa, Hà Nội đã có ba nhóm địa hình cơ bản là đồng bằng, đồi và núi với bố cục cao dần từ trung tâm ra xung quanh theo hướng chung là Tây Bắc - Đông Nam. Hoạt động kiến tạo đã hình thành nên các sông, hồ là đặc trưng của địa mạo, của cảnh quan thiên nhiên. Nhận diện được cấu trúc này, tổ tiên ta đã chọn nơi cư trú, chọn hoạt động kinh tế - văn hóa cũng như phòng vệ, đảm bảo an ninh dựa vào thế đất, thế sông vô cùng khéo léo. Khi nước Âu Lạc ra đời, kinh đô được chuyển từ Bạch Hạc - Việt Trì về Cổ Loa (Đông Anh ngày nay). Đây là một minh chứng cho thấy các vua Hùng đã nhận biết rất rõ tiềm năng của sông nước bởi Cổ Loa là vùng đồng bằng nằm trong lưu vực sông Hồng, đầu mối của các hệ thống giao thông thủy lúc đó. Dấu ấn đột phá tiếp theo là thời điểm vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long khi nhận ra đất này “... thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế nhìn sông dựa núi. Vùng này mặt đất rộng mà bằng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh...”.
Truyền thuyết còn kể rằng hành trình của nhà vua là qua đường sông, khi đến thành Đại La thì “có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự nên đổi tên thành là Thăng Long". Đó cũng là sự kiện mở đầu kỷ nguyên mới của vùng đất này: "Thăng Long - Hà Nội”. Kể từ đó, trải qua nhiều thời kỳ, hoạt động của kinh thành, ranh giới quy mô kinh thành đều gắn bó với hệ thống sông, "nhất cận thị, nhị cận giang".
Thời kỳ Pháp thuộc, hệ thống sông hồ ở Hà Nội luôn được xem là yếu tố quan trọng (song có chỉnh trang - cải tạo) trong tái cấu trúc đô thị hiện đại, thể hiện rõ qua các bản đồ quy hoạch giai đoạn 1920 -1924 và 1943.
Sau ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954, Hà Nội đã có 4 lần điều chỉnh địa giới (1961, 1978, 1991, 2008) và 7 lần quy hoạch chung được phê duyệt (năm 1961, 1974, 1976, 1981, 1992, 1998, 2011). Mỗi quy hoạch chung đều xác định định hướng phát triển không gian gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, đảm bảo hài hòa giữa phát triển với bảo tồn, cải tạo, tái thiết, nâng cao chất lượng sống của người dân. Yếu tố cây xanh, mặt nước (sông, hồ) luôn là nhân tố quan trọng. Nhiều quy hoạch chi tiết, dự án cải tạo chỉnh trang sông, hồ đã được nghiên cứu, phê duyệt.
Sông Hồng là khu vực hấp dẫn những người làm công tác quy hoạch và phát triển đô thị cả trong và ngoài nước. Quy hoạch chung xây dựng được duyệt năm 2011 đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thành phố. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có đề cập đến xây dựng các trục cảnh quan, phát triển hài hòa đô thị hai bên các dòng sông và sông Hồng sẽ là trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô Hà Nội.
Có thể thấy, hệ thống sông hồ Hà Nội luôn là yếu tố quan trọng gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố tạo lập bản sắc địa hình, văn hóa, không gian kiến trúc, cảnh quan của vùng đất này. Vì thế, hệ thống sông hồ Hà Nội cần không ngừng được nhận diện và phát huy giá trị. Điều đó cần được thể hiện rõ trong việc điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để Hà Nội luôn là thành phố "tụ thủy, tụ nhân", thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.