(HNM) - Phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac cùng 9 cộng sự dự kiến diễn ra vào tuần trước được đình hoãn vào phút chót đang làm dấy lên câu hỏi rằng, liệu chính trị gia 78 tuổi này có tránh được phán quyết của tòa án liên quan tới các cáo buộc đã đeo đẳng ông suốt gần 20 năm qua.
Theo đơn kiện gửi lên Tòa án tiểu hình Paris, ông J.Chirac bị tố cáo tạo công việc làm "ảo" cho 21 người khi ông làm Thị trưởng Paris. Những người này trên danh nghĩa làm việc cho Tòa thị chính Paris, nhưng thực ra lại làm việc cho đảng Tập hợp vì nền Cộng hòa (RPR) của ông - tiền thân của đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) hiện nay do đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy là Chủ tịch. Bằng những bản hợp đồng gọi là "ma" này, ông J.Chirac và các cộng sự bị nghi ngờ đã "bỏ túi" hàng triệu USD tiền lương từ ngân sách thành phố. Ông J.Chirac đã bác bỏ những cáo buộc trên, cho rằng từ lâu Pháp không có quy định pháp lý liên quan đến kế hoạch tài chính của mỗi đảng phái.
Trên thực tế, trong suốt chiều dài sự nghiệp hơn 40 năm, ông J.Chirac đã đối diện với không ít cáo buộc liên quan đến tham nhũng. Thậm chí, nhà chức trách Pháp đã mở cuộc điều tra hoạt động điều hành Hội đồng thành phố Paris của ông Chirac từ năm 1999, sau khi nhận được đơn tố cáo về tình trạng lạm quyền, tham ô, sử dụng vốn trái phép cho đảng của ông, hủy chứng cứ và làm giả tài liệu. Dù vậy, cuộc điều tra vẫn không ngăn cản được nhà lãnh đạo được lòng dân này tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai vào năm 2002 với 82% số phiếu ủng hộ, đánh bại đối thủ Jean-Marie Le Pen trong cuộc bầu cử vòng 2. Đến tháng 9-2007, phần lớn các đơn tố giác ông Chirac đã bị cơ quan công tố bác bỏ do không thu thập đủ chứng cứ.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước khi mở phiên tòa, luật sư của một trong 9 bị cáo đã đệ trình lên tòa yêu cầu xem xét tính hợp hiến của hồ sơ. Vì các vụ việc xảy ra đã hết thời hiệu truy tố, do vậy không thể tiến hành truy tố và xét xử. Luật pháp của Pháp cho phép một bị cáo, về mặt tố tụng, được quyền phản bác trước tòa tính hợp hiến của hồ sơ trong đó có yếu tố thời hiệu. Do đó, cựu chủ nhân điện Elysée sẽ không phải có mặt tại tòa ít nhất là đến ngày 20-6 tới để chờ phán quyết mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.