Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Sóng độc'' - ngã rẽ bất ngờ của Trần Gia Thái

Sương Nguyệt Minh| 22/10/2022 21:50

(HNMCT) - Nhiều bạn đọc biết Trần Gia Thái trước hết là một nhà văn, “người cha tinh thần” của tập truyện thiếu nhi “Thành phố đáy hồ” (NXB Hà Nội, 1981), tập truyện vừa “Hắn và tôi” (NXB Lao động, 1997). Nhưng công bằng mà nói, một chút văn xuôi mỏng manh chưa làm nên diện mạo nhà văn và cá tính sáng tạo của Trần Gia Thái.

Bẵng đi gần 15 năm Trần Gia Thái “im hơi lặng tiếng” vì dồn tâm sức cho nghề báo, cứ ngỡ nghề báo và công việc quản lý đã giằng néo cảm hứng văn chương của Trần Gia Thái, thì đùng một cái, ông... làm thơ. Chỉ 9 năm, dồn dập thi phẩm: “Lời nguyện cầu trước lửa”, “Mưa không mùa”, “Ký ức khát”, “Trăng ướt”, “Biển giờ không còn mặn" ra đời khiến bạn văn thơ ngỡ ngàng.

Mặc dù đã đi một chặng đường dài thơ, nhưng dường như cái phương thức trữ tình của thơ vẫn không tải hết những nhức nhối của biển đời, biển người, mà lòng Trần Gia Thái thì cứ giày vò, bất an. Cần một phương thức tự sự, cần một thể loại lớn dung chứa, vừa bao quát vừa cụ thể thông qua hệ thống nhân vật, hoàn cảnh, sự kiện, hành động để tái tạo bức tranh xã hội rộng lớn và số phận con người. Đó là lý do Trần Gia Thái tâm niệm: “Theo tôi, chỉ văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, mới có khả năng chuyển tải hết được hiện thực một cách nhanh chóng và trực tiếp”. Tiểu thuyết “Sóng độc”, từ bối cảnh, ý tưởng đến lao động nhà văn được sáng tạo với hoàn cảnh như thế.

Bạn đọc không khó nhận ra “Sóng độc” là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa tốt và xấu, giữa trung thực với dối trá. Cốt truyện không ly kỳ, lắt léo nhưng bất ngờ và hấp dẫn người đọc. Bắt đầu là “cái ghế giám đốc” và cuối cùng cũng là cái ghế này. Mâu thuẫn xung đột, và vẫn là mâu thuẫn khi cuộc đua tranh quyền lực chưa đến hồi kết. Các mánh khóe, thủ đoạn được tung ra, đặc biệt hiệu nghiệm là tung tin đồn, và kiện. Kiện chính danh, kiện nặc danh. Câu chuyện diễn biến khi cấp tập, nóng bỏng, lúc xả hơi, âm thầm, làm người đọc không bỏ sách.

“Sóng độc” gây ám ảnh bởi hệ thống nhân vật xấu ác, trong đó nhân vật điển hình nhất và thành công nhất của Trần Gia Thái là Phó Giám đốc Đỗ Thiết, người “ném đá giấu tay”, xảo quyệt, tàn độc. Tính hấp dẫn của nhân vật được bạn đọc đem ra so sánh với con người ở ngoài đời, thậm chí soi chiếu bản thân..., đó cũng là thành công của Trần Gia Thái.

Làm báo lâu năm, làm quản lý lãnh đạo cũng chẳng ngắn, là điều kiện thuận lợi cho Trần Gia Thái quan hệ, tiếp xúc với đủ hạng người, từ thấp hèn đến tinh hoa của xã hội. Lãnh đạo cũng là người chứ đâu phải thánh nhân, nhiều người tài, tử tế, lương thiện, nhưng cũng không ít kẻ độc tài, cơ hội, dối trá, tham lam. Tôi thấy tiếc cho tác giả, bởi tính gay cấn, hấp dẫn và xung đột chưa được đẩy đến tầng cao vì thiếu mâu thuẫn lớn. Một điều nữa khiến tôi băn khoăn, đó là vì sao cả hệ thống chính trị hùng mạnh như thế vẫn không ngăn được cái xấu, cái ác ở Đài Truyền hình tỉnh, để sự việc nhùng nhằng, kéo dài?

Trần Gia Thái rất mạnh về kể, ông thiên về kể cốt truyện, sự kiện hành động, và ông kể rất có duyên. Mâu thuẫn, xung đột qua lời kể dẫn dụ, hấp dẫn, cuốn hút nên trang văn không khô khan. Có nhiều đoạn văn, câu văn đột sáng, thể hiện chiều sâu và sự tinh tế của người viết. Nhà văn Y Ban đọc xong “Sóng độc” đã khái quát: “Những nhân vật sống động đến mức như quờ tay là tóm sống được. Những trang viết thấm đẫm trải nghiệm của một người sống hết mình rồi mới viết. Đặc biệt các trang viết về người cha lam lũ trồng những cây xoan đào và chờ cây đủ lớn để dựng nếp nhà cho vợ con sống... Với triết lý nhân sinh với niềm tin và hy vọng với bi hài trên cả khổ đau”.

Đến tiểu thuyết “Sóng độc” thì xem ra những tiên đoán của các nhà thơ Vũ Quần Phương, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Ninh Hồ rằng "căn cước nghệ thuật" của Trần Gia Thái là thơ... có vẻ lung lay. Tôi đồ rằng: Tiểu thuyết mới là đường chính, đường lớn của Trần Gia Thái. Văn phẩm “Sóng độc” nâng vị thế văn chương Trần Gia Thái lên tầm cao mới, bỏ xa các truyện ngắn, truyện vừa thuở đầu đời văn ở lại tít phía sau? Hoặc cũng có thể tiểu thuyết sẽ “song kiếm hợp bích” cùng với thơ làm nên một tên tuổi Trần Gia Thái vững chắc?

Một điều đáng nói là đi suốt hơn 400 trang sách, dù viết về cái xấu, cái ác nhưng vẫn không thấy cái hậm hực với người, không thấy cái hằn học với đời, mà trùm lên tất cả là tấm lòng nghệ sĩ bao dung nhân ái. Trong tình hình văn chương đích thực như “gạo châu củi quế” hiện nay thì “Sóng độc” là cuốn tiểu thuyết rất đáng đọc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Sóng độc'' - ngã rẽ bất ngờ của Trần Gia Thái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.