(HNMO) – Cuộc tọa đàm về đời sống văn chương Thủ đô do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 10-3 xoay quanh cuốn tiểu thuyết đầy tính thời sự có tên “Sóng độc” của nhà văn Trần Gia Thái.
“Sóng độc” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn xuất bản cuối năm 2022, gồm 17 chương, dày hơn 400 trang. Đây là tập tiểu thuyết tiếp sau các tập thơ và truyện của nhà văn Trần Gia Thái.
Là người làm báo, nguyên lãnh đạo ở Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nên tựa tiểu thuyết của tác giả đặt hẳn có dụng ý. “Sóng” chính là công cụ, phương tiện của các nhà báo làm phát thanh, truyền hình để truyền thông tin tới khán, thính giả. Bên cạnh sóng cung cấp thông tin tốt lành, hữu ích, còn có sóng độc hại…
“Sóng độc” xoay quanh câu chuyện phức tạp, những cuộc đấu đá vì quyền lực ở một đài phát thanh, truyền hình nọ. Qua đó, tác giả muốn kể về sự cạnh tranh quyền lực, về nhân tình thế thái ở nhiều cơ quan công quyền nói chung…
Cuộc tọa đàm có khoảng 15 tham luận của các nhà văn, nhà báo, nhà phê bình văn học đang sống và làm việc tại Hà Nội, tạo nên một diễn đàn trao đổi đa chiều và sinh động về tiểu thuyết. Theo nhà thơ Hải Đường, đây là một cuốn sách “nóng” trong đời sống xã hội - văn chương. Còn nhà văn Uông Triều cho rằng, tiểu thuyết có câu chuyện gay cấn và hấp dẫn xung quanh cuộc đấu quyền lực giữa cái cũ và cái mới, giữa bảo thủ và cải cách, giữa cơ hội và chính trực.
Nhà văn Văn Chinh nhận xét, “Sóng độc” là tiểu thuyết hấp dẫn, có thể đọc một mạch, trước hết nhờ tính logic của các tình huống, diễn biến tâm lý, câu thoại và phản ứng giữa các nhân vật âm mưu hãm hại nhau… Nhờ tính chân thực của ngôn ngữ nhân vật, cuộc “giải phẫu” căn bệnh thời đại của “Sóng độc” đạt đến độ tinh tế, thấu đáo. Nhà văn Nguyễn Uyển nhận định, với những trang viết thấu thiết, tỉ mỉ thường thấy ở một người làm báo, tiểu thuyết “Sóng độc” của nhà văn Trần Gia Thái thực sự là một góc quý về đời sống chính trị…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.