(HNM) - Tạo nên hình ảnh thân thuộc, gần gũi về người chiến sỹ giữ gìn ANTT là chiếc mũ cứng và bộ cảnh phục màu lúa chín thân thương của những năm 60-70 thế kỷ XX. Như bắt gặp lại tình cảm chân tình đó, giai điệu bài hát
Hình ảnh chiếc mũ mới gợi nhớ về một thời khói lửa hào hùng của Hà Nội. |
Gợi nhớ, gợi thương
Là tác giả ca khúc "Từ một ngã tư đường phố" được coi là bài ca truyền thống của lực lượng CSGT, với nhạc sỹ Phạm Tuyên, chiếc mũ cứng gắn bó với ông nhiều kỷ niệm. Nhạc sỹ còn nhớ mãi, giữa năm 1971, ông hoàn thành bài hát "Từ một ngã tư đường phố", được thu âm và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam ngay sau đó và đã nhận được nhiều thư khen, thư yêu cầu phát lại của thính giả. "Lạ nhất là lúc đó Hà Nội bắt đầu xuất hiện đèn xanh, đèn đỏ ở một số ngã tư nên chúng tôi rất thích thú. Thế là tôi viết bài "Từ một ngã tư đường phố" với những nốt nhạc rất vui về một ngã tư nhưng chính là về cuộc sống mến yêu. Hình ảnh người chiến sỹ CSGT chỉ xuất hiện rất ngắn ở cuối bài, nhưng đó lại chính là điều đọng lại. Họ đang âm thầm làm việc vì sự bình yên trong giao thông, cũng là sự bình yên của đất nước" - nhạc sỹ Phạm Tuyên tâm sự. Và ông càng vui hơn khi mấy ngày qua, đi trên các đường phố của Thủ đô lại bắt gặp hình ảnh các chiến sỹ CSGT nghiêm trang trong chiếc mũ cứng màu vàng đầy kỷ niệm.
Thiếu úy Tạ Xuân Hậu, Đội CSGT số 1 - CATP Hà Nội vẫn không thể quên được kỷ niệm ngày đầu tiên (20-4-2010), khi CATP tiến hành thí điểm đội mũ cứng thay cho mũ kêpi trong khi làm nhiệm vụ. Vào thời điểm đó, khi Thiếu úy Hậu đang đứng chỉ huy giao thông trên bục tại ngã tư Phan Bội Châu - Hai Bà Trưng, bất ngờ có hai vợ chồng bác trung niên dừng xe chỉ để xin bắt tay CGST và nói một câu: ''Tôi lại nhìn thấy chiếc mũ gắn bó với một thời hào hùng của Hà Nội''. Với nhiều người dân Thủ đô, chiếc mũ cứng đó là hình ảnh người CA dũng cảm chiến đấu trong những ngày Hà Nội sục sôi đánh Mỹ.
Một nét văn hóa giao thông
Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ CA mở đầu câu chuyện về chiếc mũ mới của CSGT bằng một nhận xét: "Tôi đồng ý phải có nhiều ý kiến khen chê trước một hiện tượng xã hội. Nhưng tất cả những ý kiến trên đều phải xuất phát từ tinh thần xây dựng và trên một phông nền kiến thức, văn hóa cần thiết". Dẫn chứng cho quan điểm của mình, Thiếu tướng Phạm Văn Dần nhắc lại vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, khi ngành CA bắt đầu tiến hành chuyển sang dùng mũ kêpi thay cho mũ cứng, ban đầu cũng vấp phải những phản ứng cho rằng đó là sự thay đổi truyền thống... Nhưng rồi thời gian cũng đã cho thấy, ngành CA vẫn sử dụng song song 2 chiếc mũ, mũ kêpi đội hằng ngày và mũ cứng sử dụng trong hoạt động khắc phục thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn mà không hề có sự khập khiễng.
Để có ý kiến trung thực nhất về hình ảnh chiếc mũ mới trong cách nhìn văn hóa giao thông, theo gợi ý của Thiếu tướng Phạm Văn Dần, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với Đại úy Nguyễn Văn Sỹ - Đội CSGT số 4 trên nút giao thông Kim Liên - Giải Phóng. Anh cho biết, việc thay đổi từ mũ kêpi sang đội mũ cứng đã giúp CSGT hạn chế được những tác động bất lợi của thời tiết khi đang làm nhiệm vụ, nhất là tại những tuyến đường ô nhiễm, bụi bặm hoặc đường cao tốc không một bóng râm, từ đó bảo đảm tốt hơn cho sức khỏe, giúp CSGT hoàn thành nhiệm vụ. Còn theo Trung úy Phạm Xuân Hiếu - Đội CSGT số 3: "Thực tế cho thấy, việc đội mũ cứng rất thuận tiện cho hoạt động của CSGT khi phân luồng, điều khiển phương tiện hay xử lý vi phạm. Vành trong của mũ cứng này cũng có vòng đai và bó sát vừa vặn với đầu nên khi CSGT làm nhiệm vụ mũ sẽ không bị rơi hay xoay tròn trên đầu".
Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT - CATP khẳng định: "Chiếc mũ mới không làm giảm đi thái độ nghiêm trang cần thiết của lực lượng CSGT trong khi làm nhiệm vụ. Và để làm gương trong văn hóa giao thông, người chiến sỹ CSGT khi ứng xử cũng phải có thái độ văn hóa".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.