Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sơn La: Bài học về vận động quần chúng

Lê Hoàn| 10/12/2011 07:37

(HNM) - Trong chuyến công tác tại tỉnh Sơn La, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đánh giá rất cao hiệu quả công tác vận động quần chúng của cấp ủy, chính quyền nơi đây.

Trong tiến trình phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân, việc phải thu hồi mặt bằng hoặc di dời dân để xây dựng các công trình, dự án, cụm, điểm công nghiệp... là việc làm tất yếu của bất cứ địa phương nào. Tuy nhiên, với Sơn La, đợt di dân xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La được đánh giá có quy mô lớn nhất nước ta cho tới thời điểm này. Nhà máy có công suất 2.400 MW, thi công trong 7 năm (2005 - 2012) nhằm mục đích ngăn lũ, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo đó, hơn 20 nghìn hộ dân (trong đó có 12.584 hộ sinh sống ở khu vực lòng hồ) phải hy sinh lợi ích cá nhân, di dời đến nơi ở mới. Nhưng đây cũng là cơ hội để tỉnh Sơn La thực hiện một cuộc cách mạng sắp xếp lại dân cư, quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo...

Khu tái định cư ở bản Nà Nhụng, xã Mường Chùm. Ảnh: Yến Ngọc

Làm sao bảo đảm tiến độ xây dựng nhà máy, tạo sự đồng thuận của người dân? Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Thào Xuân Sùng cho biết, BCH Đảng bộ tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban. Ban quản lý dự án từ tỉnh đến huyện cũng được thành lập, nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chưa bao giờ, chiến dịch truyền thông được tổ chức đồng bộ, rộng khắp như đợt tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc di dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm; ngành tuyên giáo huy động hơn 1.500 báo cáo viên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nhà máy "ngấm" đến từng người dân.

Khi dân đã tin Đảng, đồng lòng, thì việc di dời các hộ đến nơi ở mới an toàn lại là một thách thức, vì từ đây phát sinh nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nhất là phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc. Bí thư Thào Xuân Sùng chia sẻ, làm một cách thận trọng, trước tiên, Sơn La triển khai mô hình thí điểm di dân tái định cư (TĐC) ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, cho xây dựng tại đây 8 điểm TĐC tiếp nhận 390 hộ dân. Sau đó, tỉnh rút kinh nghiệm và triển khai tiếp mô hình TĐC ở bản Nà Nhụng, xã Mường Chùm, huyện Mường La theo phương châm: Hỗ trợ dân kinh phí tháo dỡ nhà, bổ sung vật liệu để dựng nhà tại nơi ở mới, kết hợp với đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất... Cách làm này đã được sự ủng hộ của nhân dân. Cùng với đó, tỉnh tăng cường cử cán bộ bám dân, bám bản, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, có lợi cho dân. Đến ngày 15-4-2010, Sơn La đã hoàn thành di chuyển toàn bộ số hộ dân đến 221 điểm TĐC tập trung, 38 điểm TĐC xen ghép.

Sau khi dân đến nơi ở mới an toàn, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sơn La tiếp tục huy động các nguồn lực giúp người dân TĐC tại nơi ở mới có điều kiện tốt hơn nơi cũ, có việc làm để ổn định cuộc sống. Tỉnh đã triển khai xây dựng Đề án "Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân TĐC dự án thủy điện Sơn La". Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết, ngoài việc huy động nội lực, tỉnh kiến nghị TƯ có chính sách hỗ trợ về đời sống, sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở tại các điểm TĐC, nhất là chuyển đổi ngành nghề cho người dân, thay đổi thói quen, tập quán...

Còn nhiều việc mà Sơn La phải làm, cần sự hỗ trợ của TƯ và cả nước để chăm lo đời sống đồng bào vùng TĐC no đủ hơn, văn minh hơn, nhưng rõ ràng với kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, đặc biệt là thành công trong việc huy động sức mạnh của nhân dân làm nên một cuộc di chuyển dân cư lớn trong lịch sử - tin rằng Sơn La sẽ vượt khó để chăm lo đời sống cho người dân tốt hơn.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Bài học về vận động quần chúng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.