(HNM) - Tiện đâu bán đấy, hàng rong tụ tập buôn bán trên vỉa hè, dưới lòng đường... đã và đang là tình trạng phổ biến trên nhiều tuyến đường phố, ngõ ngách, khu dân cư tại Hà Nội. Bên cạnh nguyên nhân ý thức của một bộ phận người buôn bán hạn chế, việc xử lý của các cấp chính quyền và lực lượng chức năng thiếu quyết liệt, còn có nguyên nhân từ việc chợ dân sinh ở nhiều địa phương còn thiếu, xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán của nhân dân. Để xóa bỏ được chợ tạm, chợ "cóc", giải pháp căn cơ nhất Hà Nội đang triển khai đó là quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng chợ dân sinh.
Vi phạm tràn lan
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, ngay đầu phố Vũ Tông Phan (địa phận giáp ranh giữa quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai) có biển: “Tuyến phố cấm họp chợ”, thế nhưng suốt dọc tuyến phố vẫn tồn tại nhiều hàng quán chiếm vỉa hè để kinh doanh đủ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ điện gia dụng, quần áo, hàng ăn… Vào các giờ cao điểm sáng, chiều, thêm số lượng lớn người dân đến mua hàng, khiến tuyến phố xảy ra nhiều vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng, gây mất an toàn giao thông. Nhiều người điều khiển phương tiện giao thông qua đây phải đi chậm lại, hoặc bấm còi cảnh báo người mua, bán hàng tránh đường.
Chị Nguyễn Thanh Thủy (chung cư Đại Kim Building, phố Trần Hòa, quận Hoàng Mai) cho biết: "Chung cư tôi ở không có chợ dân sinh nên hằng ngày gia đình tôi thường lên tuyến phố Vũ Tông Phan đi chợ. Ở đây có đầy đủ, đa dạng các thực phẩm từ tươi sống đến hàng khô để lựa chọn. Tôi cũng thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng khi họ đi khỏi thì việc mua bán lại diễn ra bình thường".
Nhiều đoạn vỉa hè, lòng, lề đường trên các tuyến đường: Trần Vĩ, Lê Đức Thọ, Doãn Kế Thiện… (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cũng bị chiếm dụng để tụ tập bán hàng rong phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân sở tại và số lượng lớn sinh viên các trường đại học trong khu vực.
Tại phường La Khê (quận Hà Đông), theo phản ánh của người dân, trên địa bàn phường đã có chợ Bông Đỏ, nhưng do quy mô chợ nhỏ nên nhiều người buôn bán vẫn tụ tập tại các ngõ, phố quanh khu đất đấu giá La Khê, giáp ranh với phường Hà Cầu cùng quận để bán hàng, tạo thành chợ "cóc" bán đủ các mặt hàng thực phẩm. Khi vắng bóng lực lượng chức năng, hàng hóa được bày bán ngay xuống lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông nghiêm trọng, nhất là vào buổi sáng và chiều tối.
Có những tuyến đường trở thành nơi buôn bán chợ "cóc", chợ tạm từ nhiều năm nay khiến người dân quen gọi tên phố là tên chợ, như: Chợ Nguyễn Cao (quận Hai Bà Trưng), chợ nhà E, nhà A Thành Công (trong khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình), phố chợ Đoàn Thị Điểm (quận Đống Đa)... Trong khi đó, ngay cạnh nhiều khu chung cư cũng tồn tại tình trạng họp chợ "cóc", chợ tạm ngay sát dưới chân tòa nhà hoặc các ngõ, ngách liền kề gây cản trở giao thông...
Cần giải pháp căn cơ
Liên quan đến chợ "cóc" tại phố Vũ Tông Phan, Đại tá Nguyễn Đình Chiến, Trưởng Công an quận Hoàng Mai cho biết, để giải quyết tình trạng vi phạm trật tự đô thị, ùn tắc giao thông trên phố Vũ Tông Phan, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự quận cùng Công an phường Định Công phối hợp với chính quyền địa phương đã kiểm tra, xử lý vi phạm. Công an phường Định Công đã tham mưu UBND phường chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với cơ quan công an làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, ký cam kết với các hộ gia đình kinh doanh trên tuyến phố này (đoạn qua địa bàn quận Hoàng Mai) nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng. Để bảo đảm duy trì và giải quyết triệt để vi phạm, Ban chỉ huy Công an quận Hoàng Mai chỉ đạo Đội Cảnh sát giao thông - trật tự quận phối hợp chặt chẽ với Công an phường Định Công và Công an phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền, vận động, nhắc nhở và xử lý nghiêm vi phạm, không gây mất mỹ quan đô thị, an toàn giao thông...
Tương tự, theo Trung tá Lê Thế Tùng, Phó Trưởng công an quận Cầu Giấy, thực tế người dân lấn chiếm hè phố để kinh doanh vẫn còn tồn tại trên địa bàn. Do nhu cầu mưu sinh nên bất chấp việc có thể bị kiểm tra, xử lý, nhiều người dân vẫn lợi dụng những thời điểm không có lực lượng chức năng để bày bán hàng. Công an quận đã xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, yêu cầu Đội Cảnh sát giao thông - trật tự phối hợp cùng công an các phường tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị.
Để giải tỏa triệt để tình trạng chợ "cóc", chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã rà soát quỹ đất hiện có, đề xuất địa điểm phù hợp để đầu tư xây dựng chợ dân sinh. Có như vậy mới có thể xử lý dứt điểm chợ tạm, chợ "cóc" hoạt động tràn lan như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.