Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm thông tin về kết quả hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”

Nguyễn Thanh| 24/03/2023 12:20

(HNMO) - Sẽ sớm thông tin về kết quả hồi hương Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là khẳng định của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong cuộc họp báo thường kỳ quý I -2023, diễn ra sáng 24-3, tại Hà Nội.

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành cho biết: Công việc đàm phán, thương lượng và làm thủ tục hồi hương bảo vật vẫn đang trong quá trình triển khai. Chính vì vậy, thông tin xung quanh vấn đề này chưa thể cung cấp rộng rãi. Đánh giá tiến độ triển khai, thực hiện, theo đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sẽ có kết quả trong quý II -2023. Thông tin sẽ được cung cấp kịp thời tới các cơ quan truyền thông.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Trả lời về việc ấn vàng có khả năng bị bán ra nước ngoài nếu thuộc sở hữu cá nhân (?), ông Trần Đình Thành khẳng định, dù cổ vật thuộc sở hữu Nhà nước hay cá nhân, sẽ không có chuyện bị bán ra nước ngoài, bởi quy định nhà nước rất rõ ràng cho vấn đề này. Cụ thể, Thông tư số 19 (năm 2012) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quy định rõ danh mục di vật, cổ vật không được đưa ra nước ngoài bao gồm di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam trước tháng 9-1945. Cổ vật có thể đưa ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá hoặc phục vụ công tác nghiên cứu, bảo quản, phục chế do điều kiện trong nước chưa thể đáp ứng, dựa trên quy định tại Luật Di sản văn hóa (số 28/2001/QH10 ngày 29-6-2001) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (số 32/2009/QH12 ngày 18-6-2009).

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành phát biểu tại họp báo.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được đúc năm 1823, thời vua Minh Mạng (1820 - 1841), chất liệu bằng vàng, nặng 10,78 kg. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại, sau đó, vua Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng trong lễ thoái vị ngày 30-8-1945 tại Ngọ môn Huế, và đưa ra Hà Nội. Tuy nhiên, cuối năm 1946, khi Pháp quay trở lại Việt Nam và đưa quân vào Hà Nội, bộ ấn kiếm đã bị thất lạc và rơi vào tay người Pháp. Đến ngày 8-3-1952, Pháp tổ chức nghi lễ trao lại ấn - kiếm cho Bảo Đại tại Đà Lạt, khi đó với tư cách "Quốc trưởng" của một chính phủ được ông đại diện thành lập năm 1948. Bộ ấn kiếm sau đó được hứ phi Bùi Mộng Điệp mang sang Pháp cho gia đình Bảo Đại từ đó đến nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sớm thông tin về kết quả hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.