Năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chung (tăng 3,25%).
Nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng, dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm 2022, là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI, nhưng không nằm trong nhóm hàng tính lạm phát cơ bản. Như vậy có thể thấy, việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023 đạt mục tiêu đề ra.
Năm 2024, dự báo chung là tăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn kém lạc quan nên giá hàng hóa cơ bản khó tăng mạnh. Vì vậy, áp lực lạm phát không lớn, CPI chỉ tăng trung bình khoảng 3%. Thậm chí, cả khi kinh tế phục hồi tốt hơn, giá dầu, nguyên liệu dao động như hiện nay, các gói hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế phát huy tác dụng, giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao… thì lạm phát bình quân cả năm cũng chỉ ở mức 3,5-3,8%.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cảnh báo về áp lực lạm phát trong năm 2024. Đó là giá nguyên liệu, giá xăng, dầu thế giới biến động khó lường, có thể khiến chi phí đầu vào sản xuất của doanh nghiệp tăng, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng theo. Tỷ giá đô la Mỹ cũng có thể tăng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Trong khi đó, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý có thể được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí và yếu tố cấu thành (như giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục…) sẽ tác động làm tăng CPI nói chung. Một yếu tố nữa có tính quy luật là giá lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình… tăng cao dịp lễ, Tết, khiến CPI những tháng đầu năm thường cao hơn cuối năm. Do đó, yêu cầu đặt ra là không thể chủ quan và phải sẵn sàng ứng phó với lạm phát ngay từ đầu năm.
Nền tảng quan trọng là trong nhiều năm qua, lạm phát trong nước được kiểm soát chặt chẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, nhiều vấn đề phát sinh từ tác động bên ngoài được ứng phó kịp thời. Các cấp, ngành, địa phương cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ, kiểm soát thị trường, điều hành giá cả, kiềm chế lạm phát, tổ chức sản xuất, cung ứng hàng hóa…
Trước mắt, để kìm giữ mức lạm phát theo mục tiêu đề ra, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả hàng hóa, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam; chủ động phương án đa dạng hóa nguồn cung nguyên, vật liệu, nhiên liệu, bảo đảm nguồn cung xăng, dầu, giảm thiểu tác động từ bên ngoài và bình ổn giá trong nước.
Ở trong nước, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu để có giải pháp bảo đảm ổn định cung - cầu, không để khan hiếm hàng hóa; đặc biệt, kiểm tra, xử lý nghiêm hiện tượng tung tin thất thiệt, lợi dụng tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường. Tiếp tục triển khai các chương trình bình ổn giá hàng hóa thiết yếu dịp lễ, Tết nhằm hạn chế đà tăng giá có tính quy luật.
Đối với hàng hóa, dịch vụ nằm trong danh mục do Nhà nước định giá, cần xây dựng lộ trình, thời điểm điều chỉnh hợp lý, tránh dồn vào một thời điểm; đồng thời tính toán mức độ điều chỉnh hợp lý, không làm ảnh hưởng sâu, rộng đến đời sống nhân dân và chi phí đầu vào phục vụ sản xuất. Đặc biệt với xăng, dầu, cơ quan quản lý cần chủ động, linh hoạt điều chỉnh chính sách, không được để thiếu hàng, sẵn sàng sử dụng công cụ thuế, phí khi giá thế giới biến động mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.