Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3-2024, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động 20%, mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế thu nhập mới được điều chỉnh.
Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực năm 2009 và với quy định này, đến năm 2012 mức giảm trừ gia cảnh người nộp đã được điều chỉnh, tăng từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng; đến năm 2020 mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế thu nhập cá nhân được nâng lên 11 triệu đồng. Tương tự, mức giảm trừ của người phụ thuộc đã được nâng lên 4,4 triệu đồng.
Từ năm 2020 đến nay, biến động CPI chưa đến 20% nên chưa xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Về tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân, theo lộ trình phải đến năm 2025 mới được trình sửa đổi… Điều đó đồng nghĩa chưa có bất kỳ thay đổi nào liên quan đến thuế thu nhập cá nhân vào lúc này.
Nhưng ở mặt khác, sắc thuế này đang bộc lộ những bất cập, mà e rằng nếu không nói đến thì chưa thể đánh giá đầy đủ vấn đề. Đó là các khu vực, vùng miền có mức thu nhập, mức sống, chi phí khác nhau, nhưng mức giảm trừ gia cảnh, thu nhập khởi điểm đóng thuế lại bằng nhau.
Ngoài ra, mức khấu trừ được tính cố định mà chưa có các khoản chi tiêu tối thiểu thiết yếu, có hóa đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý (khám chữa bệnh, học tập, thuê nhà…) dẫn đến không công bằng. Một người có thu nhập chịu thuế, đồng thời phải gánh nhiều chi phí khác mà không được tính giảm trừ, cuộc sống sẽ khó khăn hơn người có thu nhập thấp hơn nhưng không phải gánh nhiều chi phí.
Bên cạnh đó, việc đợi đến khi CPI biến động 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là quá lâu, dẫn đến thiệt thòi cho người lao động. Thực tế, với người làm công hưởng lương, giá cả chỉ cần biến động 10% đã ảnh hưởng lớn đến đời sống hằng ngày.
Bất hợp lý nữa là nhiều gia đình có mức sống trung bình khá nhưng đã phải chịu thuế suất lũy tiến ở mức rất cao 20-30%. Mức thuế suất này chỉ nên dành cho những người giàu có, khá giả.
Nhiều bất cập đang đặt ra với sắc thuế thu nhập cá nhân nhưng với thông tin mà Bộ Tài chính đưa ra thì phải đến năm 2025 Luật Thuế thu nhập cá nhân mới được trình sửa đổi. Như vậy, khi những quy định sửa đổi có hiệu lực thực thi phải mất thêm ít nhất 1 năm nữa.
Những bất cập trên cơ quan chức năng đều đã biết nhưng không thể sửa được ngay, trong khi người dân vẫn phải chịu tác động hằng ngày, xem ra cũng là một bất cập trong xây dựng, thực thi pháp luật.
Vì thế, nên chăng cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp, những gì có thể và cần khắc phục ngay thì làm ngay, làm sớm. Cần xác định đó là trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang cần những động lực để phục hồi sau rất nhiều tác động bất lợi từ bên ngoài lẫn bên trong, khiến cho đà tăng trưởng giảm sút, đời sống đa số người dân bị ảnh hưởng.
Thực tế thời gian qua, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ đã trình Quốc hội kịp thời thông qua nhiều quyết sách quan trọng, chưa có tiền lệ, giúp khắc phục ngay những khó khăn, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội phục hồi, phát triển.
Yêu cầu đặt ra với Luật Thuế thu nhập cá nhân là phải bảo đảm hạn chế khoảng cách thu nhập, điều tiết chênh lệch giàu - nghèo và đóng góp vào nguồn thu ngân sách; không đánh thuế với nhóm có thu nhập chỉ đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu, đánh thuế thấp với nhóm người có thu nhập đáp ứng nhu cầu sống trung bình và đánh thuế cao đối với nhóm người có mức sống cao thật sự. Cần tính đủ các chi phí hợp lý vào mức giảm trừ trước khi tính thuế đối với người nộp thuế; tránh sự cào bằng giữa các khu vực bằng cách đưa ra mức giảm trừ dựa trên căn cứ hợp lý.
Đồng thời cần nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế thu nhập khi CPI tăng thấp hơn mức 20% hiện hành và nên đưa ra cách tính điều chỉnh tự động để tiết kiệm nguồn lực cho cơ quan quản lý và phản ứng chính sách kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.