Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sửa đổi thuế thu nhập cá nhân: Yêu cầu cấp thiết

Hà Phong| 04/06/2023 06:35

(HNM) - Người làm công ăn lương là đối tượng chính nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giá cả hàng hóa gia tăng... Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, những bất cập về thuế thu nhập cá nhân cần sớm được sửa đổi là yêu cầu cấp thiết để phù hợp với thực tế cuộc sống.

Người dân làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình. Ảnh: Đỗ Tâm

Không thể cào bằng

Chị Nguyễn Thị Hoài (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, con chị đỗ đại học là niềm vui, song cũng là nỗi lo lắng của gia đình. Riêng học phí là 4,2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tiền ăn, đi lại, sách vở, cùng nhiều chi phí khác phục vụ việc học tập... mỗi tháng cũng tốn thêm 7 triệu đồng. Toàn bộ tiền lương của chị là 13 triệu đồng chỉ đủ chi phí nuôi con ăn học. Trong khi đó, mức giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc theo quy định là 4,4 triệu đồng, chưa bằng 1/2 so với thực tế chi phí tiền ăn học, thuê nhà của con. “Thu nhập của chồng tôi chỉ đủ sinh hoạt cho gia đình và nộp thuế thu nhập cá nhân nên không còn tiền tích lũy”, chị Nguyễn Thị Hoài bày tỏ.

Trong khi đó, theo ông Đoàn Nam (phường Gia Thụy, quận Long Biên), sự bất hợp lý trong áp mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân là cào bằng, trong khi lương tối thiểu phân chia theo vùng thì lẽ ra mức giảm trừ cũng phải phân chia theo vùng tương ứng. Bởi, mức sống ở những vùng khác nhau có sự khác nhau, như ở vùng quê, số tiền 11 triệu đồng/tháng tạm đủ chi phí, nhưng ở các thành phố lớn thì không đủ chi phí cơ bản. “Người lao động chỉ mong trước mắt nên miễn thuế thu nhập cá nhân đến hết năm 2023 và nên sửa quy định mức giảm trừ gia cảnh phù hợp”, ông Đoàn Nam nói.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại là 15,4 triệu đồng (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu đồng và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng). Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh này đã không còn phù hợp với biến động liên tục của giá cả hàng hóa, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế.

“Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ trong các lĩnh vực đều tăng khiến chi phí sinh hoạt của người dân bị đội lên. Với những người sống tại khu đô thị, chi phí cuộc sống nhiều hơn khi giá thuê nhà, phòng trọ, tiền điện nước, hàng hóa dịch vụ đều tăng”, bà Đoàn Thị Thanh Mai phân tích. Theo vị chuyên gia này, bản chất thuế thu nhập cá nhân được coi như công cụ giúp điều tiết vĩ mô, góp phần tăng phúc lợi xã hội thông qua điều tiết, giảm bớt thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và phân phối lại cho những đối tượng thu nhập thấp hơn. Tuy nhiên, việc quy định 7 bậc thuế như hiện nay chưa bảo đảm phù hợp thực tế.

Cần sửa đổi phù hợp với thu nhập thực tế

Thực tế, Bộ Tài chính cũng thừa nhận bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân từ năm 2018, và cách đây khoảng 5 năm đã đề xuất sửa luật này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các quy định vẫn đang áp dụng, gây bất lợi cho người nộp thuế. Điển hình, điều kiện tính là người phụ thuộc khi thu nhập bình quân không vượt 1 triệu đồng/tháng. Biểu thuế lũy tiến từng phần có bảy bậc thuế với mức thuế cao nhất 35%. Chỉ số giá tiêu dùng - CPI biến động 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh...

Hiện nay, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định mức giảm trừ gia cảnh trên một giá trị cố định. Việc này để thuận tiện trong phương pháp tính toán, thực hành thu, nhưng sẽ ngày càng lạc hậu với thu nhập thực tế, đời sống, giá cả thị trường. Thực tế, thời gian qua, dù thu nhập của người dân có tăng nhưng số tiền tăng đó chỉ bù đắp cho trượt giá. Trong khi đó, mức khởi điểm đóng thuế thu nhập cá nhân quá thấp, chưa có sự thay đổi theo sự trượt giá, dẫn tới bất hợp lý; mức giảm trừ gia cảnh cũng chưa phù hợp... Vì vậy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm khẳng định cần thiết phải nâng mức giảm trừ gia cảnh. Mức nâng thế nào sẽ cần phải được tính toán khoa học, cụ thể từ các cơ quan chức năng của Chính phủ cũng như lấy ý kiến nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện trong chương trình của Quốc hội có sửa 6 luật thuế, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân. Khi sửa luật này sẽ lấy ý kiến của các giai tầng xã hội và tổ chức, cá nhân để sửa phù hợp với tình hình thu nhập thực tế. Tinh thần sửa đổi luật này là phải phù hợp với thực tiễn và tạo động lực cho sự phát triển.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dự kiến trong nhiệm kỳ này, Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được sửa đổi. Việc đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cụ thể như thế nào do Quốc hội quyết định. Lúc đó, cơ quan chủ trì soạn thảo phải chuẩn bị nội dung bảo đảm đúng tiến độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi thuế thu nhập cá nhân: Yêu cầu cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.