Chiều 14-9, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Trình bày Tờ trình dự án luật, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, lần này sửa đổi, bổ sung 11/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Cụ thể, dự thảo luật bổ sung tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội (tại Điều 22), về đánh giá hoạt động hằng năm đối với đại biểu Quốc hội (Điều 54); việc xác định địa bàn cụ thể để đại biểu được chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ đại biểu (Điều 38) nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua.
Việc sửa đổi quy định về tỷ lệ đại biểu chuyên trách là vấn đề được đặt ra và còn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, tuy nhiên quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhiều hơn tỷ lệ nói trên.
Do đó, để thực hiện yêu cầu về tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thì không cần thiết phải sửa đổi quy định của luật mà tùy theo đề án bầu cử đại biểu Quốc hội của từng nhiệm kỳ sẽ xác định hợp lý tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phù hợp với yêu cầu và khả năng đáp ứng của bộ máy. Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa quy định của Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (37-40% hoặc 50%) để có cơ sở phấn đấu, sắp xếp cán bộ và quy định cơ cấu đại biểu Quốc hội một cách hợp lý, giảm số lượng đại biểu Quốc hội là người kiêm nhiệm các chức danh trong khối các cơ quan hành pháp, tư pháp để tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn cho việc thực hiện yêu cầu mà Trung ương đã đề ra.
Ban soạn thảo cho rằng, hiện tại, tuy luật đã quy định rõ tối thiểu 35% tổng số đại biểu Quốc hội là đại biểu hoạt động chuyên trách nhưng trên thực tế, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự từ sớm song con số này đến nay vẫn chưa đạt được. Quốc hội khóa XIV hiện nay có 167 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tổng số 484 đại biểu Quốc hội (chiếm 34,5%) tổng số đại biểu Quốc hội.
Thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, phải quy định tỷ lệ tối thiểu đạt 35% đại biểu Quốc hội chuyên trách, bởi việc nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách là xu hướng chung của thế giới.
* Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Trình bày tờ trình về dự án luật, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, hòa giải thành công, đối thoại thành công giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành công, đối thoại thành công phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành dự án luật. Tuy nhiên, về tiêu chuẩn hòa giải viên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc về quy định tiêu chuẩn dưới 70 tuổi hay quy định phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của Tòa án. Theo Chủ tịch Quốc hội, hòa giải viên cần người có kinh nghiệm, có uy tín, có quá trình công tác tại các cơ quan pháp luật, không nên chú trọng tới tuổi.
Giải trình thêm tại phiên họp về nội dung này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân Tối cao đồng tình với quan điểm thứ nhất, dự án luật sẽ thiên về xu hướng Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để có lợi cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.