Nghị quyết và Cuộc sống

Bảo đảm tính thống nhất trong sắp xếp bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Mai Hữu 12/02/2025 - 13:16

Sáng 12-2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

ha-noi.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tổ tại Đoàn Hà Nội. Ảnh: Mai Hữu

Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã đáp ứng yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Thống nhất với nội dung đề xuất trong dự thảo Luật về chuyển Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành Ủy ban của Quốc hội, đại biểu cho rằng, việc lấy tên Ủy ban Giám sát và Dân nguyện có thể dẫn đến sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ bởi Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội cũng có chức năng giám sát.

Cho rằng, dự thảo Luật chưa bảo đảm sự đồng nhất về thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, sửa đổi theo hướng Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, do Quốc hội quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; các tổ chức nội bộ của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, rườm rà.

nhi-ha.jpg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: Mai Hữu

Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội) cho biết, việc đưa nội hàm chức năng “giám sát” vào tên của Ủy ban Giám sát và Dân nguyện mới sẽ không chồng lấn chức năng, nhiệm vụ giám sát đối với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội. “Ủy ban Giám sát và Dân nguyện chỉ giám sát các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được quy định, đồng thời là cần có cơ quan riêng nhằm điều tiết và giúp Quốc hội trong vấn đề giám sát”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu đổi mới xây dựng thể chế, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần có cơ quan của Quốc hội để giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp quy định về mặt nguyên tắc của Luật.

Nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm tính hiệu quả và kịp thời, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật lần này chủ yếu tập trung quy định kỹ quy trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà không đi sâu vào các quy trình, thủ tục của cơ quan cấp dưới. Đại biểu cũng nhất trí với việc thay đổi quy trình, cách thức, nâng cao trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra dự án Luật và quyền quyết định cuối cùng thuộc về Quốc hội.

phuong-thuy.jpg
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) thảo luận. Ảnh: Mai Hữu

Đại biểu Đoàn Hà Nội cũng tham gia ý kiến đối với 3 điểm, trong đó cần nâng cao trách nhiệm triển khai định hướng chương trình lập pháp của nhiệm kỳ; đơn giản hóa quy trình xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; bảo đảm quyền của đại biểu Quốc hội nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng nhằm tham gia ý kiến có hiệu quả đối với các dự thảo Luật.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có hai thay đổi lớn. Thứ nhất là linh hoạt quá trình soạn thảo, rút ngắn nhiều khoảng thời gian để có thể đẩy nhanh tiến độ ra quyết sách; thứ hai là chuyển vai nhiều về cho Chính phủ. Đại biểu cho rằng, mọi thay đổi về quy trình soạn luật luôn có tính hai mặt, ngoài lợi ích thì còn có bất cập về việc làm giảm cơ hội tham gia ý kiến của các đối tượng liên quan đối với văn bản pháp Luật. Từ nhận định trên, đại biểu cho rằng, riêng vấn đề đăng tải công khai dự thảo và lấy ý kiến cần làm kỹ để bổ khuyết lại cho những rủi ro của sự linh hoạt trong quy trình xây dựng pháp luật.

pho-thu-tuong-le-thanh-long-kien-giang-.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại tổ. Ảnh: PT

Phát biểu thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (đại biểu Quốc hội Đoàn Kiên Giang) cho rằng, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sẽ được rút ngắn thời gian, đồng thời, cùng với khả năng chuyên môn và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan thì vẫn thực hiện được và bảo đảm được chất lượng Luật, pháp lệnh. Rút ngắn thời gian xây dựng pháp luật là vấn đề hết sức quan trọng, bảo đảm sự linh hoạt của các cơ quan điều hành, của các cơ quan hành pháp và thậm chí có cả Quốc hội trong việc xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền, đáp ứng được một cách tốt hơn, nhanh hơn các yêu cầu đặt ra đối với phát triển đất nước”, Phó Thủ tướng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm tính thống nhất trong sắp xếp bộ máy các cơ quan của Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.