(HNM) - Hợp tác xã vừa là nơi tập hợp xã viên phát triển sản xuất, vừa là đầu mối trong chuỗi kết nối với các doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ.
Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Evergrowth của tỉnh Sóc Trăng có hơn 20 cán bộ có trình độ đại học đang làm tư vấn kỹ thuật hỗ trợ nông dân nuôi bò với mức lương trung bình 5-7 triệu đồng/tháng. Giám đốc (do hợp tác xã thuê) có trình độ trên đại học và đã qua 2 chuyên ngành đào tạo là chăn nuôi và quản lý kinh tế. Hợp tác xã cà phê ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã tuyển dụng và cử con em của các thành viên đi học đại học về làm việc tại hợp tác xã. Nhờ có chuyên môn nên ngoài cung cấp dịch vụ phân bón và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, cán bộ hợp tác xã còn tư vấn kỹ thuật cho thành viên và nông dân. Với nền tảng kiến thức đã qua đào tạo nên sự thuyết phục và tín nhiệm rất cao. Doanh số dịch vụ phân bón và tư vấn kỹ thuật đạt gần 20 tỷ đồng/năm; lương của cán bộ chuyên môn đạt trên 7 triệu đồng/tháng.
Trên đây là 2 trong số những hợp tác xã hoạt động hiệu quả, được Bộ NN&PTNT báo cáo tại hội nghị triển khai một số nội dung về thu hút cán bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp vừa được tổ chức tại Hà Nội. Theo Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2017, cả nước có 11.668 hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó có 38% số đơn vị hoạt động ở mức khá và tốt; số còn lại gặp khó khăn trong hoạt động do thiếu vốn, chưa đẩy mạnh liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, chưa tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật...
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn, đến hết năm 2017, toàn thành phố có 922 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó, số hợp tác xã làm ăn có lãi chiếm 67%; số hợp tác xã làm ăn hòa vốn chiếm 18% và hợp tác xã làm ăn thua lỗ là 15%.
Nhiều ý kiến cho rằng, các hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả do trình độ quản lý của cán bộ còn yếu. Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Ma Quang Trung cho biết, hiện có khoảng 60% cán bộ hợp tác xã nông nghiệp chưa học hết phổ thông trung học dẫn đến việc tổ chức quản lý và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của các đơn vị gặp nhiều khó khăn; đa số các cán bộ làm việc theo kinh nghiệm, thiếu nhạy bén trong hoạt động...
Tại Hà Nội, tổng số cán bộ quản lý của các hợp tác xã đã qua đào tạo đại học, cao đẳng đến nay là 1.395 người (trong tổng số 4.537 người). Do đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn chưa qua đào tạo, trình độ năng lực điều hành, tổ chức sản xuất và quản lý còn yếu; cán bộ quản lý ở một số hợp tác xã tuổi cao, khả năng tiếp thu khoa học, kỹ thuật, nắm bắt công nghệ mới gặp nhiều khó khăn, ngại đổi mới… dẫn đến hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Để tháo gỡ khó khăn, Bộ NN&PTNT đang triển khai xây dựng kế hoạch hỗ trợ các địa phương, hợp tác xã triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã nông nghiệp (theo quy định tại Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29-12-2016 của Bộ Tài chính). Dự kiến, mỗi tỉnh có từ 3 đến 5 hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ theo cách đó... Giải pháp này được kỳ vọng sẽ giúp các hợp tác xã nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.