Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm hóa giải vướng mắc trong công tác cấp sổ đỏ (tiếp theo)

Thiện Mỹ| 27/12/2016 05:56

(HNM) - Khảo sát thực tế, phóng viên Báo Hànộimới đã ghi nhận rất nhiều vướng mắc trong quá trình các hộ dân làm thủ tục cấp

Khảo sát thực tế, phóng viên Báo Hànộimới đã ghi nhận rất nhiều vướng mắc trong quá trình các hộ dân làm thủ tục cấp "sổ đỏ" theo Quyết định 37/2015/QĐ-UBND ngày 18-12-2015 của UBND TP Hà Nội.


Khu dân cư Tân Mỹ nằm trong quy hoạch nên không được đầu tư hạ tầng đồng bộ.


Theo quy định, việc cấp "sổ đỏ" với đất có nguồn gốc đất giãn dân, đất giao trái thẩm quyền nhưng cả người dân và chính quyền sở tại đều không có hồ sơ lưu trữ nên mặc dù trong cùng khu đất được giao đất, hộ giữ được hóa đơn thu tiền thì không phải nộp tiền sử dụng đất (SDĐ); ngược lại hộ không giữ được hóa đơn lại phải nộp đã gây nhiều khiếu kiện. Bên cạnh đó, những trường hợp đất lấn chiếm không có hồ sơ lưu trữ nên khó xác định thời điểm sử dụng, kéo theo khó xác định nghĩa vụ tài chính khi nộp tiền SDĐ. Liên quan đến việc nộp tiền SDĐ, theo Điểm a, Khoản 4, Điều 47 của Quyết định 37/2015/QĐ-UBND thì biên lai thu tiền hoa màu không được coi là giấy tờ chứng minh đã nộp tiền SDĐ, song quy định này nhiều khi chưa đồng nhất với thực tế.

Qua khảo sát ở các quận, huyện như: Hà Đông, Thanh Trì, Chương Mỹ, Nam Từ Liêm… cho thấy thực tế có rất nhiều trường hợp được giao đất giãn dân từ những năm 1980, công dân không còn lưu giấy nộp tiền, chỉ có sổ theo dõi nộp tiền tại các HTX như tiền đền bù hoa màu, nộp tiền bằng sản lượng nông nghiệp để được sử dụng đất. Trước đây, khi thực hiện cấp GCN theo Quyết định 24/2014/QĐ-UBND thì các hộ không phải nộp tiền SDĐ, nhưng nay thực hiện theo Quyết định 37/2015/QĐ-UBND thì lại phải nộp. Với nhiều hộ dân, việc phải nộp số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng là một việc không thể nên nhiều hộ sau khi biết đã không màng đến việc cấp "sổ đỏ" nữa. Tuy Quyết định 37/2015/QĐ-UBND quy định trường hợp công dân có khó khăn tài chính và có nguyện vọng ghi nợ, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận mới được ghi nợ, nhưng Quyết định không nêu rõ tiêu chí để xác định thế nào là “khó khăn” nên chính quyền sở tại cũng không có căn cứ để xác nhận cho dân.

Với những trường hợp đất có nguồn gốc lấn chiếm, giao trái thẩm quyền và tự ý chuyển mục đích sử dụng… trước khi công nhận quyền sử dụng đất phải thanh tra và phải xử lý, khắc phục vi phạm (Điều 16, Điều 35 Quyết định 37/2015/QĐ-UBND)… Nhưng xử lý và khắc phục vi phạm thế nào thì chưa có văn bản hướng dẫn. Ông Nguyễn Văn Duệ, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức nêu quan điểm: “Những trường hợp này đều là vi phạm cũ, tồn tại đã lâu. Vậy xử lý vi phạm bằng cách phá dỡ công trình để trở về nguyên trạng hay phạt tiền để tồn tại? Việc này cần phải có hướng dẫn để thống nhất cách làm”. Đây cũng là băn khoăn của nhiều quận, huyện khác trên địa bàn thành phố.

Một vấn đề nữa khiến không ít trường hợp khi làm hồ sơ chuyển mục đích sử dụng từ đất vườn, ao và đất nông nghiệp được giao nằm xen kẹt trong khu dân cư rất vất vả, đó là khi làm hồ sơ phải cung cấp thông tin về quy hoạch khu đất và bản vẽ chỉ giới đường đỏ do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cấp để xác định đất đó phù hợp với quy hoạch đất ở. Nhiều người cho rằng người dân hiểu không sâu về quy hoạch và bản vẽ chỉ giới đường đỏ nên rất lúng túng và phải mất thời gian đi lại. Nên chăng, công việc này nên được coi là một khâu trong công tác kiểm tra, rà soát của các cơ quan chức năng. Là người được các hộ dân trong khu tập thể H26 ủy quyền đi xin thông tin quy hoạch và bản vẽ chỉ giới đường đỏ, ông Lê Huy Y, Tổ phó tổ dân phố 7, phường Trung Văn cho hay: “Các cơ quan chức năng không gây phiền nhiễu, khó khăn gì cho tôi, nhưng cũng phải mất khoảng một tháng mới có được những thông tin cần thiết”.

Và những nỗ lực…

Một trong những vướng mắc lớn và phổ biến trong việc cấp "sổ đỏ" trên địa bàn quận Nam Từ Liêm là chính sách nghĩa vụ tài chính vì các loại giấy tờ "sổ đỏ" do cơ quan nhà nước lập trước ngày 18-12-1980 trên địa bàn quận như: Bản đồ, sổ địa bạ, sổ mục kê năm 1960, 1975, 1986, 1994 đều được lập trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về đất đai qua các thời kỳ nhưng đa số đều không được nghiệm thu. Do đó, những loại giấy tờ trên không được coi là một trong những giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013. Điều này khiến nhiều trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc cha ông để lại, có tên trong sổ địa bạ, sổ mục kê… vẫn phải nộp tiền sử dụng đất khi được cấp "sổ đỏ"; gây nên sự so sánh "không công bằng" như các trường hợp đã được cấp "sổ đỏ" theo Luật Đất đai năm 2003.

Ông Nguyễn Xuân Quý, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương (Hà Đông) cũng nêu thực tế: Trước Luật Đất đai năm 1993, phường Phú Lương có bản đồ, sổ mục kê đo năm 1985, 1986 nhưng bản đồ này không được cấp thẩm quyền phê duyệt vì thế nhiều hộ sử dụng đất trước thời điểm 1993 nhưng vẫn không được công nhận vì không có giấy tờ gì để chứng minh… Như vậy, khi hệ thống bản đồ, sổ sách của cơ quan nhà nước còn thiếu đồng bộ, nhiều bất cập thì việc giải quyết, xem xét các căn cứ để chứng minh thời điểm sử dụng đất và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các hộ dân rất cần được cân nhắc để hợp tình và đúng lý.

Có thể nói, thực trạng trên đã được các quận, huyện báo cáo các sở, ngành của thành phố và các sở, ngành cũng đã làm việc với nhiều địa phương để xem xét hướng tháo gỡ. Nhiều địa phương cũng chủ động tìm cách hóa giải những vướng mắc phát sinh từ thực tế, trong đó chú trọng đơn giản hóa các thủ tục hành chính để giảm số lần đi lại cho người dân và rút ngắn thời gian hoàn thiện hồ sơ. Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Nam Từ Liêm cho hay: Những vướng mắc cần tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ quận đã báo cáo cấp thẩm quyền. Trong khi chờ đợi ý kiến của thành phố, UBND quận đã nghiên cứu và đến nay quy trình cấp "sổ đỏ" đã rút ngắn được 10 ngày so với quy định. Với quan điểm cả hệ thống chính trị phải vào cuộc nên từ công tác tuyên truyền đến hành động trên thực tế đều có phần quyết liệt; mọi việc liên quan đến cấp "sổ đỏ" đều được công khai. Với quan điểm “mời người dân đi làm "sổ đỏ" chứ không để người dân đi xin cấp "sổ đỏ", UBND quận sẽ cố gắng để người dân thuận lợi nhất khi làm hồ sơ”.

Tương tự, quận Hà Đông còn đến hơn 5.000 thửa đất có khó khăn, vướng mắc trong công tác kê khai, đăng ký cấp "sổ đỏ". Trong tháng 10-2016, UBND quận đã yêu cầu các phường phân loại cụ thể thời gian những trường hợp đất có nguồn gốc lấn chiếm, được giao trái thẩm quyền, tự chuyển đổi mục đích sử dụng… để tiến hành thanh tra trước khi cấp sổ. Qua rà soát tổng thể và phân loại, UBND quận cũng đã nghiên cứu thực tế, xem xét và có nhiều báo cáo để liệt kê những vướng mắc, khó khăn, đồng thời đưa ra các giải pháp có lý, có tình. Bà Đoàn Thu Hà, Chánh văn phòng UBND quận Hà Đông cho biết: Trên địa bàn quận Hà Đông có 389 trường hợp đã kê khai, đủ điều kiện cấp sổ theo Quyết định 37/2015/QĐ-UBND. UBND quận phấn đấu đến hết tháng 6-2017 sẽ hoàn thành việc cấp sổ cho các trường hợp này và thực hiện kê khai, lập hồ sơ quản lý đối với tất cả các trường hợp đang SDĐ chưa được cấp "sổ đỏ" trên địa bàn.

Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp "sổ đỏ", quyền sở hữu gắn liền với đất trên địa bàn thành phố nêu rõ: “Địa phương, đơn vị nào không hoàn thành kế hoạch cấp "sổ đỏ" được cấp có thẩm quyền giao thì cấp ủy đảng, chính quyền trước hết là đồng chí Bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên” đã “buộc” trách nhiệm của tất cả các cấp quyết liệt hơn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa quận, huyện với các sở, ngành thành phố để tháo gỡ những bất cập trong chính sách liên quan. Chỉ có vậy, mục tiêu "hết tháng 6-2017 cơ bản hoàn thành công tác cấp "sổ đỏ" trên địa bàn thành phố" mới thành hiện thực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sớm hóa giải vướng mắc trong công tác cấp sổ đỏ (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.