(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đang trong mùa khô năm 2023. Tuy nhiên, đây là lúc nhận diện, lên kế hoạch và triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt do mưa trong đô thị phù hợp và hiệu quả nhất. Các cấp, ngành, địa phương của thành phố đã và đang tích cực triển khai nhiều cách làm mới để giải quyết căn cơ tình trạng này.
Nhận diện những nguyên nhân chính
Thành phố Hồ Chí Minh có 3 hình thái ngập chính là ngập do triều cường, ngập do mưa lớn và ngập do mưa lớn kết hợp triều cường. Ứng phó với tình trạng ngập do triều cường, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai và dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2023 hệ thống cống ngăn triều tại 23 cửa sông, rạch phía Đông Nam thành phố trong dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. Còn với tình trạng ngập do mưa lớn, các cơ quan chức năng của thành phố đã nghiên cứu nhiều giải pháp.
Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, trong mùa mưa năm 2022, thành phố có 15 tuyến đường thường xuyên ngập sau mưa (thời gian rút nước khoảng 30 phút); 24 tuyến đường ngập trong mưa (thời gian nước rút khoảng 30 phút). Những tuyến đường này tập trung ở các địa phương vùng ven như thành phố Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp... Nguyên nhân do cường độ mưa lớn trong thời gian ngắn kết hợp địa hình trũng thấp cục bộ; hệ thống cống thoát nước chưa đồng bộ, nên nước mưa dồn ứ, gây ngập.
Nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy, trong vòng 40 năm (từ năm 1970 đến năm 2010), trên địa bàn thành phố xuất hiện 11 trận mưa trong 3 giờ, đạt lượng mưa trên 100mm. Trong hơn 10 năm trở lại đây đã xuất hiện 29 trận mưa trong 3 giờ. Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021 có 4 trận mưa lớn. Chỉ trong 60 phút, lượng mưa đã đạt tới 100-212mm. Mưa lớn vượt quá tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập lụt cục bộ tại các khu vực đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thoát nước.
Đơn cử, tại khu vực thành phố Thủ Đức, các nhà khoa học đã nghiên cứu và nhận thấy khu vực này có độ dốc khá lớn, mật độ đô thị hóa cao nên thời gian tập trung nước nhanh, hệ số dòng chảy tràn lớn, gây quá tải cống thoát nước và gây ngập các tuyến phố. Ngoài ra, do tốc độ đô thị hóa nhanh, tỷ lệ diện tích đất không thấm nước (bê tông hóa ngăn cản tiêu thoát nước) tại thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng ngày càng tăng cao. Cụ thể, giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ diện tích đất không thấm đã tăng tới 14,38% so với giai đoạn 1995-2000.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Châu Nguyễn Xuân Quang (Viện Môi trường và Tài nguyên), cho biết kết quả mô phỏng cho thấy, khu vực thành phố Hồ Chí Minh còn bị ngập khá nhiều tại các tuyến cống nhánh lẽ ra được thiết kế theo lượng mưa trung bình 5 năm, nhưng lại được thi công theo tính toán lượng mưa chu kỳ lặp lại P=1-2 năm (đúng tiêu chuẩn quy phạm hiện hành), nên không phù hợp với tính bất định của lượng mưa và mực nước thực tế. "Mưa lớn nhiều và bất thường; tốc độ đô thị hóa nhanh; hệ thống thoát nước chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thoát thực tế... là những nguyên nhân chính gây ngập sau mưa tại thành phố Hồ Chí Minh", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Châu Nguyễn Xuân Quang thông tin.
Triển khai nhiều giải pháp mới
Sau quá trình nghiên cứu thực trạng ngập lụt do mưa tại thành phố Hồ Chí Minh, gắn với xu thế biến động các yếu tố mưa, triều và lũ từ các hồ chứa thượng lưu và diện tích bê tông hóa…, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên đã đề xuất cách tiếp cận tổng thể, các giải pháp kỹ thuật và quản lý cụ thể phục vụ nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước đô thị.
Theo đó, về lâu dài, nghiên cứu và đưa ra những giải pháp dài hạn là phương án dự phòng cho trường hợp xả lũ do các sự kiện mưa cực đoan trên lưu vực thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn... do tác động của biến đổi khí hậu. Về mục tiêu trước mắt, ngắn và trung hạn, nhóm chia khu vực thành phố Hồ Chí Minh (trừ huyện Cần Giờ) thành 47 tiểu lưu vực, thực hiện các biện pháp kiểm soát dòng chảy tại các cửa ra của lưu vực để khống chế hệ số chảy tràn chung cho toàn tiểu lưu vực. Giải pháp cơ bản là tăng cường hiệu quả tiêu thoát nước, kết hợp với xây dựng hệ thống hồ điều hòa tại các khu vực dốc, trũng cho từng tiểu khu vực…
Đơn cử như với điểm ngập nghiêm trọng tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Tô Ngọc Vân (thành phố Thủ Đức) nhóm đã kiến nghị ứng dụng thử nghiệm các giải pháp điều tiết kiểm soát nước mưa tại nguồn để giảm hệ số dòng chảy tràn khu vực xuống 0,65 (theo kinh nghiệm của Singapore). Cùng với đó, bổ sung các tuyến mương hở dọc theo các tuyến đường để tăng cường khả năng thoát nước và giảm dòng chảy tràn trên mặt đường, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.
Trên phạm vi toàn thành phố, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất thay đổi quy trình vận hành 26 trạm bơm (56 máy) với tổng công suất 302.880m3/giờ; khống chế tình trạng phát sinh khu vực ngập mới. Triển khai 54 dự án xây dựng hệ thống thoát nước để bổ sung 92,56km cống các loại; nạo vét 60,85km kênh, rạch, nhất là tại các địa phương vẫn còn tình trạng úng ngập sau mưa. Tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước để giải quyết 18 tuyến đường trục chính thường xuyên ngập nước.
“Hiện, hai dự án đê bao bờ tả sông Sài Gòn đã thi công ước đạt khoảng 76,5% khối lượng. Sở Xây dựng đang chuẩn bị đầu tư Dự án Xây dựng hạ tầng và Cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (giai đoạn 2), Dự án nạo vét rạch Bà Lớn, Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm... Mời gọi đầu tư xây dựng 2 hồ điều tiết: Gò Dưa rộng 23ha (thành phố Thủ Đức), Khánh Hội rộng 4,8ha (quận 4) góp phần giải quyết căn cơ tình trạng ngập do mưa lớn tại thành phố”, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh) Vũ Văn Điệp cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.