(HNM) - Ngày 13-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 57-KH/BTGTU về việc tổ chức Hội thi tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai khẳng định, việc tổ chức thành công hội thi sẽ góp phần sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
- Trước tiên, xin đồng chí cho biết Nghị quyết số 15-NQ/TƯ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của Thủ đô thời gian tới?
- Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đặt ra yêu cầu phải xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội thật sự xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế. Nghị quyết xác định mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (là thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước), trong khi các nghị quyết trước đây chỉ xác định phạm vi thời gian trong 10 năm. Nghị quyết nêu rõ 4 quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn đối với từng giai đoạn; nhiều điểm mới về lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô trong trung và dài hạn. Đây là điểm mới trong nghị quyết lần này, đặc biệt nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tập trung khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển Thủ đô của nhân dân Hà Nội và cả nước.
- Hội thi tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đặt ra những mục đích, yêu cầu gì đối với mỗi cán bộ, đảng viên cũng như các tầng lớp nhân dân Thủ đô, thưa đồng chí?
- Đây là lần đầu tiên Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tham mưu và được Thường trực Thành ủy đồng ý cho tổ chức một hội thi tìm hiểu nghị quyết theo hình thức trực tuyến. Kế hoạch yêu cầu hội thi được triển khai sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm phát huy ý thức trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu học tập, nghiên cứu nghị quyết. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, tin tưởng và quyết tâm tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TƯ trong xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Thông qua hội thi tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2045; tạo bước chuyển trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.
- Đây là lần đầu tiên hội thi quy mô lớn tìm hiểu về Nghị quyết số 15-NQ/TƯ được triển khai, vậy những nội dung chính của hội thi là gì, thưa đồng chí?
- Hội thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến với mong muốn thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô tham gia. Vì vậy, người dự thi cần tìm hiểu về những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ như lý do ban hành, điểm mới trong tên gọi, kết cấu, những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, các chỉ tiêu cơ bản... Cùng với đó, cần tìm hiểu về những thành tựu chủ yếu trong thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, đóng góp ý kiến, hiến kế, phát hiện và nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả trong triển khai thực hiện để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
- Đồng chí có thể cho biết, người dự thi cần lưu ý nội dung gì khi tham gia hội thi?
- Hội thi gồm 2 vòng: Sơ khảo và chung khảo, trong đó vòng sơ khảo thi trắc nghiệm trực tuyến diễn ra trong 4 tuần trên nền tảng thi trực tuyến www.tuyengiaothudo.vn (bắt đầu từ ngày 1-8-2022). Mỗi thí sinh có 1 lượt thi mỗi tuần, ở mỗi lượt thi, thí sinh trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm và 1 câu hỏi tự luận. Sau mỗi tuần thi, Ban Tổ chức lựa chọn 3 thí sinh có điểm số phần thi trắc nghiệm cao nhất, thời gian trả lời nhanh nhất xét từ cao xuống thấp được nhận giải tuần; chấm điểm và lựa chọn 4 thí sinh có phần trả lời câu hỏi tự luận xuất sắc nhất để tham gia vòng chung khảo cấp thành phố.
Điểm mới là vòng chung khảo (dự kiến tổ chức ngày 15-9-2022) diễn ra dưới hình thức “sân khấu hóa” với 3 vòng thi: Trắc nghiệm, thuyết trình và trả lời câu hỏi.
- Là cơ quan chủ trì, thường trực chỉ đạo tổ chức hội thi, Ban Tuyên giáo Thành ủy đặt ra những yêu cầu gì đối với các đơn vị liên quan?
- Đối với thường trực các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để hội thi được triển khai sâu rộng, đạt hiệu quả cao, thu hút sự quan tâm tham gia của các tầng lớp nhân dân tại địa phương, đơn vị; tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia vòng sơ khảo đạt kết quả tốt. Ban Tổ chức hội thi sẽ công khai số lượng thí sinh của đơn vị tham gia dự thi hằng tuần trên website và làm căn cứ để bình xét thi đua 6 tháng cuối năm 2022.
Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tổ chức tuyên truyền về hội thi tới đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân; xây dựng kế hoạch triển khai hội thi trong hệ thống và vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vòng sơ khảo. Các cơ quan báo chí của thành phố mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về hội thi; kịp thời phản ánh công tác triển khai, phổ biến, hưởng ứng hội thi ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.