(HNM) - Những ngày gần đây, một số “bến xe tự phát” đã hình thành ngay tại khu vực đường Vành đai 3, đoạn từ ngã tư Ngọc Hồi - Giải Phóng đến lối rẽ vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, mỗi ngày, hàng trăm lượt xe đón khách và nhận hàng hóa tại cung đường này; nhiều hành khách cũng bất chấp nguy hiểm, băng qua đường để đón xe... Hiện tượng xấu này cần sớm được xử lý nghiêm và dẹp bỏ.
Xe khách dừng, đỗ không đúng quy định
Sáng 15 và 16-10, chỉ trong một giờ đồng hồ, phóng viên Báo Hànộimới chứng kiến hàng chục xe khách chạy các tuyến Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa… ngang nhiên dừng, đỗ đón khách ở khu vực đường Vành đai 3. Đơn cử, xe khách mang biển kiểm soát 36B-018.95 của nhà xe Hồng Cường; xe biển kiểm soát 90B-003.39 của nhà xe Sao Việt; xe biển kiểm soát 18B-005.91 của nhà xe Hoàng Toàn; xe biển kiểm soát 35B-005.35 và 35B-003.22 chạy tuyến Hà Nội - Ninh Bình...
Để “che mắt” lực lượng chức năng, với khách hàng đặt chỗ và hàng hóa qua điện thoại, nhà xe thông báo giờ, khách hàng sẽ chờ tại địa điểm chỉ định, khi có điện thoại phải nhanh chóng lên xe. Đối với khách vãng lai, cánh “xe ôm” có nhiệm vụ mời chào, “đón lõng” khách từ các tuyến đường, cổng Bến xe Nước Ngầm để đưa lên xe mà không cần vé.
Tại đoạn đường từ phía sau Bến xe Nước Ngầm đến lối rẽ vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, khu vực trước cổng Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàng Mai, nhóm hành khách hơn chục người đứng nhốn nháo dưới lòng đường chờ bắt xe. Vừa thấy bóng dáng chiếc xe khách biển kiểm soát 18B-019.62, chạy tuyến Hà Nội - Hải Ninh - Hải Châu (Nam Định) tấp vào lề đường, cửa xe vụt mở, rất nhanh, hành khách là một người đàn ông nhảy vội vào xe, “xe ôm” ngay sau đó cũng ném mạnh bọc hàng hóa theo. Cánh cửa đóng sập lại, chiếc xe lao vút đi. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở chân cầu Thanh Trì, đoạn sát nút giao đường Vành đai với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Ông Nguyễn Duy Thịnh, 55 tuổi, trú tại đường Trần Thủ Độ (quận Hoàng Mai) cho biết, tình trạng xe khách nối đuôi nhau đi rất chậm, dừng, đỗ để bắt khách dọc đường tại khu vực kể trên đã tồn tại từ lâu, gây cản trở và vi phạm trật tự an toàn giao thông. Một số xe khách tạt đầu khi đón khách đã gây tai nạn cho người tham gia giao thông.
Cần nâng cao hơn ý thức của nhà xe và người dân
Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Lê Xuân Tiến thông tin, từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng thanh tra giao thông đã phát hiện, xử lý trên 4.000 trường hợp vi phạm trong đó tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe của nhiều phương tiện trên đường Vành đai 3. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn chưa được xử lý triệt để.
Giải thích về nguyên nhân tồn tại “bến xe tự phát”, Trung tá Hà Văn Tuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, vấn đề mấu chốt là ý thức bất chấp quy định pháp luật của các lái xe, các nhà xe. Thậm chí, nhiều nhà xe còn thuê “xe ôm” theo dõi quy luật hoạt động của các tổ công tác, nên khi lực lượng cắm chốt thì các đối tượng dừng hoạt động. Một lý do khác, theo ông Lê Xuân Tiến, đa số xe vi phạm là xe khách liên tỉnh, do đó, để xử lý triệt để cần rất nhiều thời gian.
Về giải pháp xử lý tình trạng này, Trung tá Hà Văn Tuân cho biết, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra, cắm chốt tại các địa điểm thường xảy ra vi phạm. Đồng thời, phối hợp với công an địa phương để giải tán hành khách, các “xe ôm” đứng tụ tập dưới lòng đường chờ đón xe.
Còn theo Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), hiện tượng xe khách dừng, đỗ đón trả khách trên đường Vành đai 3 nếu không bắt quả tang thì rất khó xử lý. Do đó, Phòng Cảnh sát giao thông mong muốn người dân nếu phát hiện vi phạm, chụp ảnh đưa lên Facebook, Zalo... Khi gửi ảnh, video clip cần ghi rõ ngày, giờ cụ thể, cũng như rõ biển kiểm soát xe vi phạm, giúp cơ quan chức năng dễ xử lý.
Về phần mình, ông Lê Xuân Tiến thông tin, ngoài việc phạt trực tiếp, thanh tra giao thông sẽ báo cáo để Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội gửi công văn tới đơn vị quản lý xe khách ở các tỉnh liên quan để có phương án xử lý.
Cũng theo ông Lê Xuân Tiến, bên cạnh xử phạt các đơn vị kinh doanh vận tải, cũng rất cần sự chung tay, tự giác và nâng cao ý thức của hành khách. Hành khách khi vào bến mua vé sẽ được yên tâm “đi đến nơi, về đến chốn”, không bị đổi xe khác. Quan trọng hơn, hành khách được bảo hiểm trách nhiệm dân sự trong suốt quá trình xe lưu thông trên đường. Trong trường hợp xảy ra va chạm, hay tai nạn giao thông không mong muốn, khách hàng sẽ được chi trả bảo hiểm.
Để sớm dẹp bỏ được các “bến xe tự phát”, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp đồng bộ, xử lý nghiêm vi phạm. Về phần mình, mỗi hành khách cần nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của chính mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.