(HNMO) - Tại hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra sáng 19-6, các đại biểu đã chia sẻ những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, đơn vị; đồng thời nêu những kiến nghị, đề xuất cụ thể để công tác này ngày càng đi vào thực chất.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón:
Sớm hoàn thiện ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, hệ thống quy chế, quy định về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành với nhiều quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý khá hoàn thiện để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hiện tại, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các ban Đảng liên quan đang nỗ lực hoàn thiện, ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; cơ chế kiểm soát thu nhập của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và cơ chế bảo vệ cán bộ, đảng viên tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Dự báo, hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng tinh vi, tình trạng đảng viên đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm tiếp tục diễn ra. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy ban Kiểm tra các cấp sẽ tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, giám sát, giữ vững sự tôn nghiêm của kỷ luật đảng. Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tập trung nghiên cứu, sửa đổi các quy chế, quy định, quy trình kiểm tra, giám sát, bảo đảm khoa học, đồng bộ… Đặc biệt, sẽ sớm hoàn thiện và ban hành quy định về bảo vệ người tố cáo nhằm tạo căn cứ và cơ sở để nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc:
Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị phòng, chống tham nhũng
Sau một năm đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh các địa phương đã tích cực tham gia và thụ lý nhiều vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Một số địa phương đã có những đề xuất cụ thể, xuất phát từ thực tiễn, trong đó có việc Công an thành phố Hồ Chí Minh sau khi phát hiện sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm và sát hạch lái xe đã có những đề xuất cụ thể để Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an sửa đổi một số quy định trong các lĩnh vực này cho phù hợp với thực tiễn.
Bộ Công an cũng đề xuất các bộ, ngành chức năng sớm sửa đổi một số quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, tạo điều kiện để xét xử các đối tượng bỏ trốn sau khi có lệnh khởi tố và phối hợp hỗ trợ tư pháp quốc tế. Bên cạnh đó, kiến nghị sớm triển khai Đề án 06 của Chính phủ để hạn chế sử dụng giấy tờ, từ đó hạn chế tình trạng “tham nhũng vặt”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng:
Lấy kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để đánh giá năng lực chiến đấu của tổ chức Đảng
Là một trong những tỉnh, thành phố sớm thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, ngay sau khi thành lập, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tập trung cụ thể hóa quy định của Trung ương, triển khai toàn diện công tác kiểm tra, giám sát khi có dấu hiệu sai phạm. Qua kiểm tra, giám sát đã thi hành kỷ luật 378 đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm đạo đức lối sống và những điều đảng viên không được làm. Các tổ chức thanh tra đã tiến hành 595 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm 150 tỷ đồng và trên 23.877m2 đất; đã thu hồi được 121 tỷ đồng; kiến nghị chuyển vụ việc vi phạm đến các cơ quan có thẩm quyền. Ban Chỉ đạo đưa 15 vụ việc nghiêm trọng phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo…
Từ thực tiễn những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đúc rút một số bài học kinh nghiệm. Để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải là tập thể đoàn kết, thống nhất cao để tham mưu xử lý vụ việc; quá trình xử lý phải sâu sát, quyết liệt, không làm thay việc cơ quan chức năng; rõ đến đâu xử lý đến đó…
Đặc biệt, cần lấy kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm kết quả đánh giá năng lực chiến đấu của tổ chức Đảng; gắn xây với chống; lấy xây để chống; tiếp tục bổ sung cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cá thể hóa trách nhiệm. Đặc biệt, cần có cơ chế bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.