Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Sôi tiết" vì mua nhầm đồ "fake của fake"

Uông Trang| 14/03/2011 09:54

Chuyện đã đành kiểu biết rồi khổ lắm nói mãi, nhưng quý cô vẫn tá hỏa hàng ngày khi mua phải hàng fake của fake và đau đớn nhìn tiền trôi khỏi túi.


Bẽ mặt vì bị phát hiện dùng hàng fake rởm

Đang tự hào trước những ánh mắt trầm trồ của những người xung quanh về chiếc túi Louis Vuiton ngót nghét 5 triệu được mua trong một shop hàng hiệu cỡ lớn, chị Lan (nhân viên ngân hàng) như chết đứng người khi cô bạn là chủ một shop chuyên bán hàng nhái buông lời khẳng định như đinh đóng cột: "Chắc chắn Lan mua nhầm hàng nhái đểu rồi, loại này chợ bán cao lắm cũng chỉ mấy trăm nghìn".

Với túi tiền của phái nữ công sở, để có thể khoác lên người những nhãn mác hàng hiệu chính hãng để mà hãnh diện ngẩng cao đầu khi dạo qua các tụ điểm café, trung tâm mua sắm, hay các cuộc họp mặt, là điều chẳng dễ dàng gì. Một chiếc túi LV authentic có giá trên vài ngàn đô, hay như chiếc túi Gucci Shoulder Bag Hobo giá treo shop chính hãng là 1.060 đô la. Chưa kể để toát ra "chất", khiến người khác ngưỡng mộ, thì kèm theo túi xách còn là áo quần, giày dép, kính, mũ, vv…

Hàng nhái theo lô


Với ưu điểm giá mềm và giống y như thật, hàng fake thu hút được một lượng vô cùng đông đảo của các chị em bởi điều này đã đánh trúng tâm lý thích làm đẹp, thích dùng hàng xịn nhưng cũng cần phải cân đối cho phù hợp túi tiền. Tuy nhiên, vì tâm lý "ham của rẻ", không ít chị em đã phải đỏ mặt chống chế khi có người thắc mắc về chất liệu hay nguồn gốc của túi. Như trường hợp chị Trà (phu nhân giám đốc 1 công ty Xuất nhập khẩu), chị được cấp dưới của chồng tặng một cặp kính râm Gucci. Vốn không hay dùng kính, nhưng để không cũng phí, chị mang theo sử dụng trong một buổi cùng chồng đi đánh gôn. Chỉ đến khi tình cờ gặp một phu nhân cũng đeo chiếc kính tương tự được mua ở Mỹ, ngồi so sánh rồi chị mới biết mình đang dùng hàng nhái. Quả thật lúc đó chị chỉ mong "đất nứt ra được một cái lỗ để mình chui vào mà trốn".

Thật giả khôn lường


ChịVân (chợ Hôm, HN) cho biết: "Túi xách bọn chị nhập từ mối buôn Trung Quốc, bán ở chợ chỉ vài trăm nghìn một cái. Thế mà có nhiều mối shop đến nhập số lượng lớn, rồi về bỏ tủ kính là xơi xơi ăn tiền triệu bạc".

Tại những shop hàng hiệu khang trang mặt tiền, hay thậm chí trong các trung tâm mua sắm lớn, nhiều loại mặt hàng luôn được giới thiệu là hàng loại một, bán với giá giao động từ 1-10 triệu. Chỉ đến khi người có chút kinh nghiệm thắc mắc, thì người bán hàng mới ấp úng với những lời giải thích không có căn cứ. Đơn cử như chị Lan, yên tâm bước vào shop và hồ hởi mang chiếc túi "fake 1" về nhà, để rồi lại ngỡ ngàng và bẽ mặt trong chính buổi tiệc sinh nhật của người yêu mình.

Không thiếu cẩn thận như nhiều người, trước khi mua hàng, chị Phương (chuyên viên PR) đã tìm hiểu các cách phân biệt các loại hàng fake, cũng như chịu khó tìm hiểu các địa chỉ bán hàng khá tin cậy trên mạng. Thông tin chị nắm được là nên chọn những hàng được sản xuất từ các nước châu Âu hay Singapore, những loại túi này chất liệu và kiểu dáng được nhái khá thật, chỉ thay da cá sấu bằng các loại da có giá thành rẻ hơn. Sau khi lựa chọn, chị mang về cho mình chiếc túi Hermes có kiểu dáng đang được ưa chuộng. Nhưng hỡi ôi, chỉ đến khi cố lục lọi tìm chiếc sim điện thoại, chị mới nhìn ra dòng chữ "Made in China" bé xíu được khâu trong góc túi.

Giải pháp hiệu quả tối ưu cho những "thượng lưu hảo nữ"

Như vậy, làm sao để biết đâu là hàng loại nào giữa muôn hình vạn trạng hàng fake có mặt tại các shop hàng hiệu, các trung tâm mua sắm, và cả các sạp hàng trong chợ? Để làm được điều này thật chẳng chút dễ dàng. Đến cả những dân kinh nghiệm nhất cũng nhiều khi phải ngắm hàng thật trước, rồi mới dám so sánh và khẳng định chất lượng mặt hàng. Nếu không cẩn thận, bạn rất dễ ăn nhầm quả lừa từ miệng lưỡi ngọt xớt và đầy lươn lẹo của các cô bán hàng.

Thật ra, để dùng "hàng hiệu" mà không cần phải nơm nớp lo lắng về việc xấu hổ và bẽ mặt khi bị người khác phát hiện, các chị em có thể chọn giải pháp mua hàng hiệu authentic xịn nhưng có giá "mềm" hơn. Bên cạnh những mặt hàng đốt cháy rụi túi tiền như LV, Gucci, Hermes, có những thương hiệu cũng rất nổi tiếng, nhưng giá bán chỉ dao động trong tầm "fake 1" của các loại đã được nêu tên. Tôi có thể đưa ra một vài ví dụ như Nine West, Adidas, Miss Sixty, Charles & Keith, Bonia, Carlorino, Nose, Noir… Bên cạnh đó, trong các dịp lễ, như Lễ tạ ơn, Giáng sinh, năm mới... các hãng thời trang lớn luôn có chiến dịch giảm giá hàng (sale) khá mạnh. Hàng sale mới nhiều và rẻ, có thể sale đến 70% - 80% so với giá gốc. Nếu biết để ý theo dõi tình hình, bạn có thể nhờ những người quen ở nước ngoài để mua hộ. Hoặc ngay cả tại Vincom Center cũng có những đợt Crazy Sales (2010) với nhiều mặt hàng như Levi’s, FCUK, Axara, G2000, Noir., Nike, Puma, Nine West, Bonia, Carlo Rino… giảm giá tới 50%.

Chỉ cần chịu khó lùng, bạn sẽ là người sành điệu về thời trang, mà lại không phải sợ hãi rằng sẽ có ngày "lòi đuôi chuột".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Sôi tiết" vì mua nhầm đồ "fake của fake"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.