(HNM) - Thị trường hoa, cây cảnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ở Thủ đô bắt đầu sôi động khoảng từ ngày 20 tháng Chạp. Hiện tại, các nhà vườn cũng như các chủ kinh doanh đang tập trung hàng hóa tại các điểm chợ hoa xuân trên địa bàn thành phố Hà Nội để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng với giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng.
Hoa, cây cảnh truyền thống vẫn "hút" khách
Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, thị trường hoa, cây cảnh dịp Tết Nguyên đán năm nay thực sự nhộn nhịp, sôi động tương đối muộn so với các năm trước. Ngoài ra, do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên giá cả cũng như các mẫu hoa, cây cảnh dịp Tết cũng không có nhiều biến động.
Chị Nguyễn Thị Minh, chủ vườn quất cảnh bonsai Khang Minh ở phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) cho hay: "Nhà vườn của tôi có hơn 2.000 chậu quất bonsai đủ kích cỡ, ngay từ đầu tháng Chạp đã có khách đặt hàng và thăm vườn nhưng số lượng bán không nhiều. Quất Tứ Liên vượt trội về mẫu mã, chất lượng so với mặt bằng chung của thị trường nên chúng tôi không lo ế. Tuy nhiên, giá quất hiện tại cũng chỉ như mọi năm trong khi nhân công, vật tư đầu vào… đều tăng khá mạnh. Hiện giá quất bonsai Tứ Liên dao động từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng/cây tùy loại. Xu hướng các loại cây bonsai nhỏ, vừa tiền dễ bán hơn". Tương tự, tại vùng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ), hầu hết các cây đào đẹp đã được khách quen đặt hàng chờ sát Tết sẽ lấy.
Trong khi đó, theo chị Nguyễn Thị Thu, chủ vườn hoa, cây cảnh tại chợ Vạn Phúc (quận Hà Đông) nói: "Tại cửa hàng của gia đình tôi, các loại hoa, cây cảnh, đặc biệt là quất, đào thế, hoa lan được khách hàng lựa chọn nhiều nhất. Các loại hoa, cây cảnh truyền thống vẫn "hút" khách. Ngoài giá cả hợp lý, hoa, quất cảnh, đào thế được trồng cố định trong chậu từ lâu và chăm sóc tốt nên cây, hoa đều khỏe, khách hàng mua về chỉ cần tưới nước mỗi ngày nên được ưa chuộng".
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ở một số chợ hoa xuân trên địa bàn Thủ đô, các mặt hàng hoa, cây cảnh cũng đa dạng như các năm trước nên người tiêu dùng dễ dàng tìm mua loại ưa thích, phù hợp. Chia sẻ kinh nghiệm mua hoa, cây cảnh dịp Tết, chị Nguyễn Thị Dung (phường Văn Quán, quận Hà Đông) cho rằng: "Sau Tết ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng Chạp) là thời điểm thích hợp để lựa chọn được những cây hoa, cây cảnh đẹp, vì số lượng còn nhiều, dễ chọn và giá cả ổn định. Ngày sát Tết, giá hoa, cây cảnh sẽ đắt đột biến hoặc cũng có thể giảm mạnh, nhưng đều khó chọn được hàng đẹp ưng ý mình".
Mong một mùa vụ thành công
Hiện các nhà vườn cũng như chủ cơ sở kinh doanh trên địa bàn Thủ đô đang tập trung hàng hóa tại các điểm bán hoa xuân để phục vụ người tiêu dùng. Anh Nguyễn Văn Hà - một chủ hộ trồng lan tại xã Đông La (huyện Hoài Đức) có cửa hàng tại chợ Vạn Phúc (quận Hà Đông) cho biết: "Năm nay, ngoài bán hoa tại chợ hoa Vạn Phúc, tôi còn mở thêm cửa hàng trên phố Lê Văn Lương ở quận Thanh Xuân. Chưa năm nào các tiểu thương cũng như chủ các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh Tết lại hồi hộp như năm nay bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện tại, giá cả của các loại hoa, cây cảnh vẫn ổn định, chưa có biến động lớn. Chúng tôi rất mong những ngày tới sẽ bán được hết hàng để có một cái Tết đủ đầy, vui tươi".
Trong khi đó, ở các khu vực trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn Thủ đô đã bắt đầu nhộn nhịp người mua, người bán. Ghi nhận tại làng trồng mai trắng dưới chân núi Ba Vì ở thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì), những ngày này có rất nhiều khách hàng về chọn mua mai để trưng Tết.
Anh Đỗ Quang Thụy (thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh) là một trong những người tiên phong đưa mai trắng về trồng trên đất Tản Lĩnh cách đây khoảng 20 năm. Tết này, gia đình anh Thụy có hơn 3.000 gốc mai trắng xuất bán. Những chậu mai trắng trong vườn của gia đình anh rất đa dạng, giá thấp nhất chỉ 500.000-700.000 đồng, loại to có giá vài triệu đồng, thậm chí một số cây lâu năm có giá hàng chục triệu đồng. "Hiện tại, không chỉ bán tại vườn, tôi còn bán hàng trực tuyến thông qua các kênh trên website hay mạng xã hội Facebook, Zalo… Nhờ vậy, đến thời điểm này, tôi đã xuất bán được hơn 70% số gốc mai trong vườn”, anh Thụy nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Nguyễn Thị Mai Yến, thôn An Hòa của xã Tản Lĩnh có 240 hộ thì hơn 60% số hộ trồng cây mai trắng và cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với loại cây trồng khác. Bình quân, các hộ trồng mai có thu nhập 300-400 triệu đồng/năm, cá biệt một số hộ doanh thu từ hơn 1 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng/năm. Thị trường hoa, cây cảnh Tết Nhâm Dần trên địa bàn xã tiếp tục được mùa, giá cả ổn định, người trồng mai có thu nhập tốt để tái đầu tư vào năm sau.
Hiện tại, các làng hoa, cây cảnh trên địa bàn Thủ đô đang vào cao điểm vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Bà con trồng hoa, cây cảnh cũng như những người kinh doanh mong một mùa vụ bội thu nữa sẽ đến để có cái Tết sung túc, vui tươi hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.