(HNMO) - Chỉ còn vài ngày nữa đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hoạt động mua bán gia cầm tại chợ gia cầm Hà Vỹ - chợ lớn nhất miền Bắc trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, các ngành chức năng, tiểu thương cần nâng cao ý thức trong phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm.
Mỗi ngày tiêu thụ hàng chục tấn gia cầm
Càng gần đến Tết, nhu cầu tiêu thụ gia cầm lớn nên giá tại chợ cũng tăng hơn. Cụ thể, giá gà, vịt đã tăng từ 20 - 30% so với thời điểm ở những tháng trước đó. Loại gà, vịt có mức bán cao nhất tại thời điểm này là giống gà thịt Sơn Tây, gà Đông Tảo (110.000 đồng/kg-120.000 đồng/kg), gà công nghiệp (53.000 đồng/kg), vịt bầu 45.000 đồng/kg, vịt super 43.000 đồng/kg.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy, tiểu thương tại chợ gia cầm Hà Vỹ, để chuẩn bị hàng cho dịp Tết năm nay, từ ngày 20 tháng Chạp, cửa hàng đã nhập về 2 tấn gà mã đẹp ở tỉnh Thái Nguyên để phục vụ nhu cầu của người dân mua gà về thắp hương trong ngày Tết.
Trong khi đó, bà Lê Thị Dung, tiểu thương ở chợ gia cầm Hà Vỹ cho biết, vào ngày cận Tết người mua đông hơn so với ngày thường, giá gia cầm năm nay cũng ổn định so với mọi năm. Hiện gà loại ngon nhất khoảng 120.000 đồng/kg, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ 3 - 4 tạ gà ta…
Ông Lê Thanh Bình - Trưởng ban quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ cho biết, tại chợ có 160 gian bán gia cầm, thủy cầm. Vào dịp Tết Nguyên đán, chợ hoạt động xuyên suốt đến tận 30 Tết, nhộn nhịp nhất, cao điểm nhất từ ngày 25 - 28 Tết. Những ngày này, chợ đầu mối gia cầm mỗi ngày nhập khoảng 40 - 50 tấn gà, 25 tấn vịt, ngan, tăng 10 - 15% so với các tháng trước đó.
"Năm nay, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nên chợ cũng sôi động hơn. Giá gia cầm tăng hơn so với năm ngoái nhưng không đáng kể; nguồn hàng về chợ gia cầm Hà Vỹ luôn bảo đảm cung cấp cho người tiêu dùng mỗi dịp Tết đến xuân về”, ông Bình cho biết thêm.
Tăng cường phòng chống dịch bệnh
Hiện nay, thời tiết diễn biến bất thường, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi; chợ Hà Vỹ tiêu thụ một lượng lớn gia cầm vào dịp Tết, nên để bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh. Ông Bùi Văn Cảnh, tiểu thương tại chợ cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm được các tiểu thương tại chợ đặt lên hàng đầu vì nếu không may xảy ra dịch sẽ thiệt hại về kinh tế. Do đó, các cửa hàng đều phải nhập gia cầm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ở các tỉnh, thành phố.
Còn theo ông Lê Thanh Bình - Trưởng ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ, Ban quản lý chợ luôn tăng cường, giám sát chặt công tác kiểm dịch 24/24. Đối với những trường hợp tiểu thương không chấp hành các quy định của Ban quản lý chợ sẽ nhắc nhở và xử lý theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, huyện Thường Tín Nguyễn Đăng Thênh đánh giá, nhìn chung các nguồn hàng về chợ đều bảo đảm có nguồn gốc xuất xứ. Tại chợ, có chốt kiểm dịch, có các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra tất cả các xe hàng ở các tỉnh đến đây.
Xã phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền vận động các tiểu thương chỉ bán gia cầm khỏe, không bị bệnh, rõ nguồn gốc và đã được kiểm dịch. Trong khu vực buôn bán, gia cầm phải được nhốt và phải có nơi thu gom xử lý chất thải. Vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm sau mỗi ngày giao dịch mua bán.
Hiện nay, dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát, nhưng do nhu cầu vào những ngày Tết tăng cao, tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới; thời tiết diễn biến cực đoan, mưa lũ, chuyển lạnh, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển…
Để hạn chế dịch bệnh phát sinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, chốt kiểm dịch động vật liên ngành số 5 của thành phố tại chợ gia cầm Hà Vỹ cần phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Quản lý chợ thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Cùng với đó, tăng cường truyền thông để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm vào chợ; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn tiểu thương chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Mặt khác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh theo quy định; hằng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực chợ để cung cấp nguồn gia cầm sạch, an toàn cho người dân trong dịp Tết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.