(HNM) - Lần đầu tiên, vở múa “Nón” từng gây sửng sốt tại TP Hồ Chí Minh và nhiều nước Châu Âu đến với khán giả Thủ đô vào 20h ngày 21-7 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội), đồng thời tái ngộ khán giả thành phố mang tên Bác vào 20h ngày 26, 27-7 tại Idecaf (28 Lê Thánh Tôn, Quận 1).
Một cảnh trong vở múa “Nón”. Ảnh: Sơn Trần |
Ê kíp thực hiện vở múa này chỉ gồm ba nghệ sĩ trẻ tuổi, độc lập là Vũ Ngọc Khải (biên đạo, diễn viên múa), Ngô Hồng Quang (nhạc sĩ), Văn Quý Ngọc Ái (nhà sản xuất). Họ gặp nhau ở sự thấu hiểu trong âm nhạc, biểu diễn hình thể và tâm hồn luôn hướng về cội nguồn.
Vũ Ngọc Khải và Ngô Hồng Quang lên ý tưởng cho tác phẩm “Nón” từ đầu năm 2015, khi họ cùng nhau tu nghiệp và làm việc ở Châu Âu. Vũ Ngọc Khải (sinh năm 1985) là diễn viên của Nhà hát Staatstheater Braunschweig (Đức) và tháng 8 tới, anh sẽ tới làm việc tại Nhà hát Phoenix Dance Theater (Leed City, Anh). Anh từng tốt nghiệp Trường CĐ Múa Việt Nam, sau đó nhận học bổng toàn phần du học tại Học viện Múa Rotterdam Dance Academy (Hà Lan). Ban đầu, Ngọc Khải theo đuổi ballet, sau chuyển dần sang neo-classic và múa đương đại. Ngô Hồng Quang (sinh năm 1983), theo học đàn nhị từ khi 11 tuổi, sau đó học nhiều loại nhạc cụ dân tộc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Anh là người Việt duy nhất hai lần được học bổng toàn phần của Chính phủ Hà Lan về âm nhạc. Hiện, Ngô Hồng Quang học cao học chuyên ngành soạn nhạc tại Nhạc viện Hoàng gia La Hay (Hà Lan). Hành trình của những dự án độc lập luôn đầy gian nan, thử thách. Những người trẻ ấy chỉ với nỗ lực và cháy bỏng cống hiến cho khán giả, dù có khó khăn về khoảng cách địa lý cùng lịch trình làm việc dày đặc, dù phần lớn phải làm việc qua internet nhưng “Nón” ra đời đã tạo một bước tiến mới của nghệ thuật độc lập.
“Nón” được xây dựng từ ý niệm trong truyền thuyết “Bánh chưng, bánh dày” là “trời tròn, đất vuông”, thể hiện rõ sự kết nối của âm - dương trong tín ngưỡng người Việt. Hai nghệ sĩ, hai tâm hồn Việt khi càng đi xa lại càng thêm yêu nơi sinh ra mình, càng tìm tòi trong nghệ thuật để đưa những điểm đặc biệt nhất của dân tộc mình ra thế giới. Họ chọn những yếu tố quen thuộc với người Việt như nón, tre, trúc, áo nâu sồng, áo dài, sử dụng ngôn ngữ hình thể cùng âm nhạc để kết nối những người đang sống trong thế giới hiện đại, hay sống xa quê hương trở về với truyền thống, với dân tộc, cảm nhận niềm vui và hạnh phúc mà thiên nhiên, đất trời quê hương mang lại.
Dựa trên ý tưởng của cả hai, Ngô Hồng Quang viết và chỉnh nhạc để phù hợp với những phần múa đương đại của Vũ Ngọc Khải và ngược lại. Đó vẫn là sự kết hợp nhuần nhuyễn chuyển động hình thể của múa đương đại với âm nhạc nhạc cụ truyền thống gồm chiêng dây (hiện chỉ có 2 cây đàn tại Việt Nam), đàn tính, đàn môi 3 lá, đàn môi 1 lá, đàn bầu, hát. Song lần này, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang đã phát triển thứ “ngôn ngữ” âm thanh rừng núi và không gian lần trước thành một bài hát hoàn chỉnh - “Về đồi non”, với ca từ, giai điệu bay bổng, phiêu du hơn. Hơn nữa, không còn công thức 70 - 30 (70% sắp đặt, 30% ngẫu hứng), lần này họ sẽ trình diễn 50 - 50 (50% sắp đặt, 50% ngẫu hứng), sẽ tạo nhiều bất ngờ, thể hiện những khám phá mới, truyền đạt sâu hơn thông điệp của tác phẩm tới khán giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.